Hiện nay, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ xen kẽ trong khu vực nội thành, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Long An còn tương đối nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ di dời các trang trại, cơ sở chăn nuôi ra khỏi những khu vực không được phép chăn nuôi.
Tổng đàn tăng, dịch bệnh giảm
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu vẫn là chăn nuôi hộ gia đình, phân tán và nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này được cải thiện đáng kể. Các hoạt động chăn nuôi theo xu hướng trang trại, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa có chiều hướng tăng, giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ, lẻ, phân tán.
Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 1.369 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, trong đó, có 27 trang trại quy mô lớn, 109 trang trại quy mô vừa và 1.233 trang trại quy mô nhỏ. Tuy nhiên, số cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư còn khá lớn, trong đó có 223 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại (182 trang trại quy mô nhỏ và 41 trang trại quy mô vừa).
Việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 20/7/2025 (Ảnh tư liệu minh họa)
Thời gian qua, ngành chăn nuôi đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của địa phương. Đến cuối tháng 6/2023, tổng đàn heo của tỉnh có 104.460 con, tăng 14.969 con so với năm 2021 (bằng 116,72%); đàn gia cầm trên 9,5 triệu con, tăng 1,13 triệu con so với năm 2021 (bằng 113,4%); đàn bò 117.064 con, tăng 4.030 con so với năm 2021 (bằng 103,5%); đàn trâu 5.884 con, giảm 143 con so với năm 2021 (bằng 97,6%).
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 giảm đáng kể so với năm 2021. Kết quả này là nhờ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; khử trùng, tiêu độc giám sát và chống dịch kịp thời. Các chương trình tiêm phòng miễn phí kết hợp với xã hội hóa của tỉnh được triển khai đạt 100% kế hoạch.
Việc di dời còn khó khăn
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết: Việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, quá trình triển khai, thực hiện gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơ sở chăn nuôi đa phần đều thiếu vốn mua đất, đầu tư hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới. Lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều lớn tuổi, nguồn thu nhập từ chăn nuôi là chính, do đó, việc ngừng chăn nuôi để chuyển đổi sang nghề khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới.
TP Tân An có gần 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong đó, có 1.031 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ và 165 hộ chăn nuôi quy mô vừa) với tổng đàn trên 236.350 con. Các hộ chăn nuôi thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố từng bước giảm dần số lượng đàn nhưng vẫn chưa đăng ký di dời do còn khó khăn trong việc tìm địa điểm xây dựng và kinh phí di dời khá cao.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đang khuyến khích, đẩy nhanh tiến độ di dời, bảo đảm trước ngày 20/7/2025, trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi. Việc hỗ trợ di dời phải kết hợp đổi mới công nghệ và bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, tuyệt đối không chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác và địa điểm được lựa chọn để di dời đến phải nằm trong vùng được phép chăn nuôi, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Mục tiêu của ngành chăn nuôi tỉnh trong thời gian tới là sớm chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi và bảo đảm quy định mật độ trong chăn nuôi; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, công nghệ cao; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì các mô hình chăn nuôi nông hộ bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ; chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của tỉnh, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
“Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện tốt các chính sách do Trung ương, địa phương ban hành, trong đó, tập trung các chính sách về hỗ trợ di dời, chính sách về phòng, chống dịch bệnh, chính sách đất đai để phát triển chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi. Đồng thời, ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi” – bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết thêm./.
Minh Tuệ
Nguồn: Báo Long An