Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tập trung tái đàn vật nuôi. Tuy nhiên, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa nên gia súc, gia cầm (GS, GC) rất dễ bị giảm sức đề kháng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao
Những năm qua, để duy trì và phát triển đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, trong đó có chương trình ứng dụng công nghệ cao phát triển đàn bò và các mô hình chăn nuôi GC lót đệm lót sinh học, an toàn sinh học,… Tất cả chương trình, dự án trên nhằm bảo vệ đàn GS, GC phát triển tốt, tránh các loại dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn, bởi thông qua chương trình, dự án, người chăn nuôi đã được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình khoa học.
Người chăn nuôi trâu, bò cần đề phòng bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và trong thời điểm giao mùa thì một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi đặc biệt chú ý phòng, chống các loại bệnh: Cúm GC, dịch tả heo châu Phi (DTHCP), viêm da nổi cục, tai xanh,…
Ông Nguyễn Văn Lập (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi hơn 3.000 con gà thịt. Hiện đàn gà đã hơn 3 tháng tuổi, còn khoảng 1 tháng nữa là xuất bán. Thời điểm này, gà rất dễ phát bệnh do đây là giai đoạn thúc cho gà lớn, gà sẽ ăn nhiều và ít vận động hơn. Cùng với đó, thời tiết chuyển mùa cũng làm cho sức đề kháng của gà giảm. Do đó, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, tôi còn tăng cường mở đèn để giữ ấm cho đàn gà, nhất là những khi trời mưa”.
Bệnh cúm GC là bệnh nguy hiểm, bởi thời gian ủ bệnh ngắn và tỷ lệ GC mắc bệnh bị chết có thể lên đến 100% tổng đàn chỉ trong vòng vài ngày. GC mắc bệnh sẽ có một số biểu hiện: Đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám, chảy nhiều nước mắt, sưng phù đầu và mặt,…; với gà đẻ trứng thì năng suất giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ. Do đó, biện pháp phòng, chống bệnh cúm GC là tiêm đầy đủ vắc-xin đúng liều lượng, đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để ngăn ngừa bệnh cúm trên GC.
Ngoài bệnh cúm GC, bệnh DTHCP cũng đang có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại. Đây là loại bệnh vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh cho biết: “Để phòng bệnh DTHCP, các hộ chăn nuôi cần chọn mua heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng các loại thức ăn thừa từ các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho heo; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi bằng các loại hóa chất như vôi bột, formol,… Ngoài ra, người chăn nuôi cần thận trọng phòng, tránh bệnh trên đàn heo theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, khi phát hiện heo xuất hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho lực lượng thú y địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng”.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 con heo; hơn 120.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con GC. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch cúm GC không xảy ra, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định; DTHCP xảy ra tại 40 hộ thuộc 19 xã của 8 huyện: Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Châu Thành, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An, với tổng số tiêu hủy là 951 con (trên 48,3 tấn).
Đẩy mạnh công tác tiêm phòng
Được xem là giải pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn GS, GC, ngăn chặn dịch bệnh trong thời tiết giao mùa, tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trở thành biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.
Để công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn GS, GC đạt kết quả cao, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn GS; triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng trên 9.580 liều vắc-xin viêm da nổi cục; gần 13.690 liều vắc-xin lở mồm long móng; 990 liều vắc-xin tai xanh; trên 71.600 liều vắc-xin dại; trên 1,1 triệu liều vắc-xin cúm GC.
Đẩy mạnh tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi
Với phương châm phòng là chính, huyện Tân Hưng đã xây dựng kế hoạch và thường xuyên vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng – Phan Văn Nỉ thông tin: Với hơn 11.000 con GS và gần 200.000 con GC, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn nắm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, triển khai biện pháp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ thú y cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ và cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Minh Cường (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Hiện gia đình có 4 con bò và hơn 10 con heo, tất cả đều được tôi tiêm phòng đầy đủ. Mong mỏi lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là sớm có vắc-xin phòng bệnh DTHCP và giá thức ăn chăn nuôi được bình ổn để an tâm sản xuất”.
Tại huyện Mộc Hóa, hiện có trên 4.200 con GS và khoảng 37.000 con GC. Huyện đã tiến hành phun xịt khử trùng chống dịch tại các xã, thị trấn và tiêm phòng miễn phí vắc-xin cúm GC đợt 1/2022 với số lượng khoảng 19.000 liều. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa – Lê Văn Tùng cho biết: “Ngay khi nhận được kế hoạch của tỉnh, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tiêm phòng đúng thời gian quy định. Qua đó, phát huy tối đa tác dụng của vắc-xin, góp phần giúp địa phương, người dân chủ động trong việc bảo vệ đàn GS, GC và hạn chế phát sinh các ổ dịch”.
Người chăn nuôi mong sớm có vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi
Bên cạnh công tác tiêm phòng, việc vệ sinh chuồng trại cũng được xem là yếu tố quan trọng nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn GS, GC. Chị Nguyễn Thị Nguyên (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 8 con bò thịt từ 6 – 12 tháng tuổi. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp cùng gia đình tôi dọn dẹp, tiến hành phun khử khuẩn và vệ sinh chuồng trại. Qua đó, giúp gia đình tôi nắm được các bước và hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi”.
Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn GS, GC, thời gian tới, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm: Cúm GC, viêm da nổi cục, tai xanh,…
Đồng thời, các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về tác hại của dịch bệnh trên đàn GS, GC và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin sẽ là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững./.
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thời gian tới, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm: Cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh,… Đồng thời, các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An – Nguyễn Thanh Truyền |
Bùi Tùng
Nguồn: Báo Long An