Do ảnh hưởng Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch trên gia súc, gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Long An nên ngành nông nghiệp, thú y cũng đang đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng ngừa.
Dịch viêm da nổi cục trên bò lây lan ở nhiều địa phương
Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò xuất hiện và lây lan nhanh. Đến cuối tháng 9, bệnh xảy ra tại gần 350 hộ nuôi bò thuộc 120 ấp, 54 xã, 12 huyện (Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa, TP.Tân An, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Tân Trụ và Cần Đước) với tổng số 611 con bò mắc bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 158 con. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở địa bàn huyện Đức Huệ và Tân Hưng.
Hộ bà Nguyễn Thị Duyên (ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) nuôi 19 con bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Gần đây, có 1 con bò trong đàn đã bị chết do bệnh viêm da nổi cục. Còn ông Lâm Văn Phong (ấp 1, xã Mỹ Quý Tây) có 9 con bò, trong đó 2 con bị chết do bệnh viêm da nổi cục.Trước tình hình này, ông Phong cũng không tránh khỏi sự lo lắng dịch bệnh sẽ xảy ra trên đàn bò còn lại, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Bò bị bệnh viêm da nổi cục
Ngoài dịch viêm da nổi cục trên bò, từ đầu năm đến nay dịch bệnh dịch tả heo châu Phi cũng xảy ra tại 32 hộ ở 19 xã, thị trấn thuộc 8 địa bàn: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng và TP.Tân An. Tổng số heo bị bệnh dịch tả phải tiêu hủy gần 900 con.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh cho biết: Dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò và dịch tả heo châu Phi xảy ra đa số ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn sinh học. Các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh, Đồng Tháp đã phát sinh dịch bệnh viêm da nổi cục trước đó nên dễ lây lan vào Long An. Song song đó, nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, dù trước đó ngành thú y đã khuyến cáo, tuyên truyền, vận động”.
Tăng mức bao phủ tiêm ngừa vắc-xin
Quá trình phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn những khó khăn. Việc triển khai quy định của Luật Chăn nuôi trong kê khai, quản lý chăn nuôi còn hạn chế vì người chăn nuôi chưa nhận thức rõ được lợi ích của khai báo thông tin với cơ quan quản lý.
Cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở và nhân lực chế tài xử lý các trường hợp không khai báo hoặc khai báo không đúng nên người chăn nuôi không thực hiện việc khai báo. Nguồn vật tư hỗ trợ công tác phòng, chống dịch chưa bảo đảm cung ứng kịp thời theo yêu cầu phát sinh khi có dịch xảy ra.
Thời gian qua, trong điều kiện toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19 nên việc tổ chức tiêm phòng và thực hiện các giải pháp khống chế dịch trên gia súc cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ – Phạm Văn Luốc, dịch Covid-19 bùng phát mạnh dẫn đến khó tập trung được lực lượng tham gia chống dịch trong thời gian ngắn; người chăn nuôi hạn chế đi lại nên không chủ động mua vắc-xin, thuốc điều trị cho gia súc. Bên cạnh đó, vì tâm lý sợ dịch Covid-19 lây lan nên có hộ chăn nuôi không để cán bộ thú y vào tiêm phòng và điều trị bệnh cho gia súc.
Người dân đào hố tiến hành tiêu hủy bò bị chết do viêm da nổi cục
Mặt khác, do khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ nên ảnh hưởng đến việc tồn đọng sản phẩm chăn nuôi, gia tăng mật độ trong đàn và áp lực dịch bệnh. Cũng theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 183/188 xã, phường, thị trấn đã bố trí chức danh thú y. Thế nhưng, số người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong hoạt động phòng chống dịch bệnh thú y rất thấp, đa số còn kiêm nhiệm.
Đến cuối tháng 9/2021, đã tiêm phòng 90.243 liều vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò, đạt 72,4% (hơn 1.100 liều miễn phí, hơn 89.100 liều thu tiền). Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng trên gia súc, gia cầm; tham mưu củng cố mạng lưới nhân lực thú y cơ sở. Để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác thú y, chăn nuôi./.
>> Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin ngừa lở mồm long móng cho đàn gia súc gần 58.000 liều; bệnh dại gần 64.000 liều; ngừa cúm gia cầm hơn 2,1 triệu liều; PRRS gần 1.600 liều.
Toàn tỉnh hiện có hơn 119.000 con trâu, bò; trong đó chỉ riêng đàn bò hơn 113.000 con. Trâu, bò nuôi tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đức Hòa (gần 68.000 con), Đức Huệ (hơn 11.000 con), Vĩnh Hưng (hơn 10.000 con),… Đến cuối tháng 9-2021, đã tiêm phòng 90.243 liều vắc xin viêm da nổi cục trên trâu, bò, đạt tỉ lệ khoảng 72,4%; dự kiến, đến cuối tháng 10-2021 sẽ có trên 90% tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh được tiêm phòng vắc xin này.
Lê Đức
Nguồn: Báo Long An