Long An: Phát triển chăn nuôi trang trại phù hợp với quy hoạch

Các cơ sở chăn nuôi (CSCN) khi di dời hết ra khỏi khu vực nội thành sẽ góp phần giải quyết được những phát sinh ô nhiễm môi trường và sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Không để cơ sở chăn nuôi trong nội thành

Theo cập nhật của các địa phương trong tỉnh, hiện nay có khoảng 1.800 CSCN nằm trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư (khu vực không được phép chăn nuôi). Trong đó, có 223 CSCN quy mô trang trại (182 cơ sở quy mô nhỏ và hơn 40 cơ sở quy mô vừa), CSCN nông hộ (gần 1.600 hộ, chiếm 87%). Do các CSCN nằm trong khu vực nội thành nên diện tích đất dành cho chăn nuôi rất khan hiếm, nhỏ, trung bình từ 10 m2 đến khoảng 200 m2.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ hình thức chăn nuôi nông hộ trong khu vực nội thành đa số không phải là nguồn thu nhập chính, không đăng ký chăn nuôi. Nhiều hộ tận dụng nguồn thức ăn thừa sẵn có, các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp để chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp nên với số lượng chăn nuôi ít, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được không đáng là bao, nhất là trong giai đoạn giá tăng, giảm thất thường.

Mặt khác, hình thức chăn nuôi trong nội thành, khu dân cư có nhiều hạn chế là khó mở rộng quy mô để đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến; khó đáp ứng theo các quy chuẩn, đặc biệt là về kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh; không đủ điều kiện xây dựng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.

nuôi heo long an

Vẫn còn nhiều hộ nuôi heo với quy mô nhỏ, lẻ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khu vực nội thành, khu dân cư là nơi tập trung đông người dân sinh sống nên việc chăn nuôi dễ gây ô nhiễm môi trường, tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Lâm (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho rằng, chăn nuôi trong các khu dân cư, nội thị, nơi có mật độ dân cư đông đúc sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.

Với những bất cập và hạn chế trên, việc cấm mở các CSCN trong nội thành, khu dân cư là điều phù hợp. Tháng 7/2020, tỉnh đã ban hành quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép mở các CSCN. Nếu các tổ chức, cá nhân đã có CSCN xây dựng, đang hoạt động ở nội thành trước khi có quy định này thì trong thời hạn 5 năm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Quy định này được người dân đồng tình cao.

 

Sẽ có chính sách hỗ trợ

Ngành chăn nuôi trong những năm gần đây góp phần không nhỏ vào phát triển KT – XH của tỉnh, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh, tổng đàn bò gần 113.000 con; tổng đàn gia cầm hơn 9 triệu con và tổng đàn heo gần 82.000 con. Điều đáng mừng, thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi phát triển theo xu hướng trang trại, tập trung sản xuất hàng hóa có chiều hướng tăng, giảm dần chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Các CSCN này đa số được đầu tư xây dựng tập trung tại các huyện, nằm trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của tỉnh như các huyện: Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa,… Theo số liệu thống kê sơ bộ, năm 2020, có khoảng 530 trang trại chăn nuôi.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền, với hướng phát triển như thế thì quy định không cho phép các CSCN hoạt động trong khu vực nội thành sẽ góp phần điều chỉnh quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ sang tập trung, hình thành vùng, CSCN an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các CSCN mạnh dạn đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, giúp hoạt động chăn nuôi của cơ sở phát triển đúng định hướng và bền vững.

Tuy nhiên, việc di dời các CSCN còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, nhiều hộ không có vốn đầu tư nên còn e ngại. Do đó, cần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để người chăn nuôi có điều kiện tái đầu tư sản xuất.

“Từ thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tờ trình về chính sách hỗ trợ khi di dời CSCN ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn để tỉnh xem xét, quyết định. Trong quá trình soạn thảo, Sở tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, địa phương. Tới đây, dự thảo tờ trình này sẽ được xem xét, thông qua để triển khai, thực hiện” – ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin./.

Lê Đức

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *