Long An: Dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò lây lan ở nhiều địa phương

Từ ngày 10/7 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò xảy ra tại 132 hộ chăn nuôi ở 58 ấp, 28 xã, 8 huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và TP Tân An, tỉnh Long An.

Dịch bệnh đã xảy ra ở nhiều địa phương

Đến thời điểm hiện nay, tổng số bò bị bệnh ghi nhận được là 266 con, trong đó, huyện Đức Huệ 134 con, Tân Hưng 91 con. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn về thú y, khoảng 1 tuần nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò được cập nhật phát sinh vẫn chủ yếu ở các xã đã xảy ra dịch thuộc huyện Đức Huệ và Đức Hòa, Mộc Hóa. 

Trong tổng số hộ chăn nuôi phát hiện dịch viêm da nổi cục trên bò thì ở huyện Đức Huệ chiếm 47% so với tổng số hộ có dịch trên địa bàn tỉnh;  hiện huyện đã có 50 con bò chết do bệnh viêm da nổi cục (chiếm 90% so với tổng số con bò bị chết của tỉnh).

Dịch bệnh viêm da nổi cục đến thời điểm này được báo cáo, ghi nhận chỉ trên bò. Đa số bò chết, tiêu hủy chủ yếu trên gia súc non và mắc bệnh nặng do người chăn nuôi không chăm sóc, điều trị kịp thời.

Hiện đã công bố dịch viêm da nổi cục trên bò ở 6 xã tại địa bàn huyện Đức Huệ và 6 xã thuộc huyện Tân Hưng. Cụ thể, ở huyện Đức Huệ gồm các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Quý Đông. Còn huyện Tân Hưng là các xã Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Thạnh Hưng, Hưng Thạnh và thị trấn Tân Hưng.

Một con bò bị bệnh bị chết

Để ngăn ngừa, các địa phương triển khai và đẩy mạnh công tác tiêm phòng; người chăn nuôi đã chủ động đăng ký tiêm phòng vắc xin thu tiền hoặc tự mua vắc xin tại các cửa hàng thuốc thú y. Hiện toàn tỉnh đã tiêm phòng thu tiền gần 57.000 liều vắc xin viêm da nổi cục, đạt khoảng 45,3% so với tổng đàn trâu, bò.

Trong đó, Đức Hòa có tổng đàn lớn nhưng tỷ lệ tiêm phòng thấp, mới được khoảng 39%. Các huyện Tân Hưng, Đức Huệ tỷ lệ tiêm phòng đã đạt trên 80% tổng đàn và hiện nay đang thực hiện tiêm phòng vét đối với những con bệnh hết triệu chứng, tiêm hộ nhỏ lẻ 1 – 2 con.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò hiện đang lây lan ở nhiều địa phương

Riêng huyện Tân Hưng ngoài nguồn vắc-xin thu tiền, huyện đã hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng miễn phí cho các hộ nghèo được trao tặng bò do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động trao tặng. Theo kế hoạch, đến nay đã tổ chức tiêm phòng được 477 con.

 

Tỷ lệ tiêm phòng mới đạt hơn 45% tổng đàn

Trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục đã và đang xảy ra trên bò, cơ quan thú y đã khuyến cáo, hướng dẫn hộ chăn nuôi phun xịt khử trùng, vệ sinh chuồng trại, điều trị bò bị bệnh và xử lý tiêu hủy những con bị chết. 

“Tuy nhiên, do dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò xảy ra trong điều kiện toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ – Phạm Văn Luốc cho biết.

Lý do, không tập trung được lực lượng tham gia chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò; người chăn nuôi do hạn chế đi lại nên không chủ động mua vắc-xin, thuốc điều trị cho bò. Mặt khác, vì tâm lý sợ dịch bệnh Covid-19 trên người nên cũng có những hộ chăn nuôi không để thú y vào tiêm phòng và điều trị cho bò bị bệnh viêm da nổi cục. 

Bên cạnh đó, nguồn vật tư hỗ trợ chống dịch của tỉnh như vắc-xin, hóa chất khử trùng đang trong giai đoạn mua sắm đấu thầu nên vắc-xin chống dịch chủ yếu thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Vì vậy, công tác tiêm phòng tập trung chống dịch để tạo miễn dịch đồng loạt trong thời gian ngắn chưa bảo đảm.

Xử lý tiêu hủy bò bị bệnh chết

 

Xử lý tiêu hủy bò bị bệnh chết

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An – Lê Thị Mai Khanh, để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó, chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho bò. 

Tùy theo thực tế tại địa phương, tổ chức công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19.

“Các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ các đàn bò tại hộ có dịch, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi bệnh. Từ đó, triển khai kịp thời các biện pháp khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo hướng dẫn của ngành chuyên môn”, bà Lê Thị Mai Khanh thông tin./.

>> Toàn tỉnh hiện có gần 125.000 con trâu, bò; trong đó chỉ riêng đàn bò hơn 116.000 con. Trâu, bò nuôi tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đức Hòa (gần 68.000 con), Đức Huệ (hơn 11.000 con), Vĩnh Hưng (hơn 10.000 con),… Đến nay, tỷ lệ đàn trâu, bò đã được tiêm phòng viêm da nổi cục mới đạt hơn 45%. Trong đó, huyện Đức Huệ  tiêm phòng đạt hơn 80%, Đức Hòa hơn 39%, Vĩnh Hưng gần 40%.

Lê Đức

Nguồn: Báo Long An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *