Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An đang tái đàn vật nuôi để chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Đây cũng là thời điểm các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GS, GC) dễ bùng phát nhất. Để bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo các địa phương và người chăn nuôi giám sát chặt chẽ dịch bệnh.
Nhiều dịch bệnh tái bùng phát
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều loại dịch bệnh trên GS, GC tái bùng phát gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong đó, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 16 hộ thuộc 14 xã của 6 huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Châu Thành, Bến Lức và TP.Tân An với tổng số lượng heo tiêu hủy là 464 con, tổng trọng lượng trên 27,1 tấn.
Bệnh cúm GC xảy ra tại 5 hộ thuộc 2 xã của huyện Cần Đước với tổng số lượng GC tiêu hủy là 3.399 con. Bệnh dại trên động vật xảy ra tại 2 hộ thuộc huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng với tổng động vật tiêu hủy là 5 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 4 hộ thuộc 3 xã của huyện Tân Hưng và Mộc Hóa với tổng số trâu, bò bệnh là 4 con, tiêu hủy 1 con.
Nhân viên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hưng phun xịt khử trùng khu vực chăn nuôi của người dân (ảnh: Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hưng)
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.369 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, trong đó, có 27 trang trại quy mô lớn, 109 trang trại quy mô vừa và 1.233 trang trại quy mô nhỏ. Đến đầu tháng 10-2023, tổng đàn heo của tỉnh trên 101.000 con, đàn GC khoảng 9,6 triệu con; đàn bò khoảng 117.000 con; đàn trâu trên 5.800 con.
Toàn huyện Tân Hưng hiện có trên 177.500 con GC, gần 5.000 con heo và trên 5.600 con trâu, bò. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 2 loại bệnh trên GS là DTHCP và viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong đó, bệnh DTHCP xảy ra tại 8 hộ thuộc 6 xã, thị trấn của huyện, số lượng heo tiêu hủy là 265 con. Còn bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 2 hộ với 2 con bò bị nhiễm bệnh.
Đàn heo 48 con của ông Dương Thanh Hùng (ấp Rọc Chanh, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) bị nhiễm bệnh DTHCP trong tháng 8/2023. Ngay sau khi phát hiện heo chết bất thường, ông Hùng thông báo cho cán bộ thú y địa phương. Qua test nhanh, đàn heo của ông Hùng dương tính với DTHCP. Ngành chức năng huyện tiến hành tiêu hủy đàn heo và khoanh vùng dập dịch theo quy định.
Ngay sau khi nhận được thông tin GS chết bất thường, nghi nhiễm dịch bệnh từ cán bộ thú y địa phương, ngành chức năng huyện Tân Hưng phối hợp tiến hành kiểm tra, lấy mẫu test nhanh. Khi kết quả test nhanh dương tính, ngành chức năng huyện tiếp tục lấy mẫu gửi về Chi cục Thú y Vùng VI và thực hiện khống chế ổ dịch ngay.
Thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hưng, khi kết quả test nhanh thể hiện rõ GS bị nhiễm bệnh, ngành chức năng huyện tiến hành tiêu hủy heo bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại hộ có dịch, hố chôn và các khu vực lân cận; đồng thời, tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng tại các xã xung quanh, khoanh vùng và dập dịch.
Còn nếu kết quả test nhanh chưa thể hiện rõ, ngành chức năng huyện sẽ chờ kết quả từ Chi cục Thú y Vùng VI mới tiến hành khống chế dịch, trong thời gian này, địa phương nơi xảy ra bệnh trên GS sẽ giám sát chuồng trại, tránh tình trạng người dân bán chạy GS bệnh, gây lây lan ra diện rộng.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cần Đước phun xịt khử trùng khu vực chăn nuôi của người dân (ảnh tư liệu)
Tại huyện Cần Đước, trong tháng 10/2023, bệnh cúm GC xảy ra tại 5 hộ của 2 xã: Phước Vân (4 hộ), tiêu hủy 3.015 con và Long Định (1 hộ), tiêu hủy 384 con.
Ông Trần Văn Giàu (xã Long Định, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Vào đúng thời điểm tái đàn phục vụ thị trường tết thì lại xảy ra dịch cúm GC khiến tôi đang rất lo lắng. Bởi nếu để xảy ra dịch cúm trên đàn gà thì xem như gia đình tôi mất tết. Hy vọng ngành chức năng sớm khống chế và dập dịch hiệu quả”.
Thông tin từ UBND xã Long Định, ngay khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, xã tích cực phối hợp ngành chức năng huyện, tỉnh tiêu hủy toàn bộ đàn GC nhiễm bệnh, phun thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng trong vùng xảy ra ổ dịch; triển khai công tác tiêm phòng bắt buộc vắc-xin cúm GC. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp theo dõi, báo cáo tình hình thường xuyên để ngành chức năng kịp thời xử lý, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Hiện nay, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp để khống chế dịch cúm GC, cố gắng không để dịch lây lan ra diện rộng; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân an tâm chăn nuôi, chủ động phối hợp ngành chuyên môn nếu có nghi ngờ về dịch bệnh”.
Triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay tương đối ổn định. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin trên GS, GC được tập trung thực hiện; dịch bệnh trên GS, GC trong 9 tháng năm 2023 chỉ xuất hiện ổ dịch nhỏ, lẻ và đã được khống chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi cũng như công tác tái đàn vật nuôi và tiêu thụ GS, GC của tỉnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả khi tăng đàn, ngành chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học.
Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn con giống tái đàn có nguồn gốc rõ ràng; đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ theo quy định của cơ quan chuyên môn; có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai tổng đàn vật nuôi cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và thực hiện khử trùng chuồng trại trước khi đưa con vật vào nuôi.
Tiêm phòng là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho đàn vật nuôi (ảnh tư liệu)
Người chăn nuôi cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; bổ sung vitamin, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh trên đàn GS, GC.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi GS, GC trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp GS, GC có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, bảo đảm thành quả chăn nuôi của người dân” – bà Lê Thị Mai Khanh thông tin./.
>> Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các ngành liên quan giám sát dịch bệnh trên GS, GC, tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng; tiêm 124.414 liều vắc-xin lở mồm long móng trên GS (heo 38.350 liều; dê 200 liều; trâu, bò 85.864 liều); tiêm trên 32.100 liều vắc-xin tai xanh trên heo; trên 86.965 liều vắc-xin dại trên chó, mèo; trên 93.175 liều vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò và trên 3.068.638 liều vắc-xin cúm GC.
Minh Tuệ
Nguồn: Báo Long An