Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học tại xã Trung Sơn, Phú Thịnh (Yên Sơn, Tuyên Quang). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo tiền đề để cải thiện sinh kế, giúp người dân nâng cao đời sống.
Mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa được triển khai từ năm 2019 với 9 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 1 con lợn đực giống và 9 con lợn cái. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi về kỹ thuật phối giống, phối trộn các loại thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn nái và nuôi con theo từng giai đoạn. Người tham gia mô hình còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lợn nái hậu bị, lợn chuẩn bị đẻ, sau đẻ; kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc lợn con; kỹ thuật phòng trị bệnh cho lợn. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay tổng đàn lợn đã phát triển lên đến gần 900 con của 94 hộ nuôi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình phát triển lợn đen bản địa tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn).
Chị Đỗ Thị Chiều, thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn cho biết, tham gia mô hình, gia đình chị được hỗ trợ 1 con lợn đực giống và 9 con lợn cái. Tận dụng diện tích đất vườn, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nên đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua 2 năm gia đình đã phát triển đàn lợn lên đến 400 con và đã nhân rộng mô hình cho 20 hộ trong xã.
Là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, bà Đặng Thị Thiết, thôn 2, xã Phú Thịnh phấn khởi cho biết, việc chăm sóc lợn đen bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như rau lang, cây chuối, sắn, ngô, cám gạo. Về dịch bệnh thì lợn đen giống bản địa ít bị dịch bệnh hơn so với lợn trắng thông thường, nuôi trong khoảng hơn 8 – 10 tháng thì xuất chuồng, giá lợn đen luôn ổn định từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg. Chính vì đặc tính dễ nuôi và giá cả ổn định nên các hộ trong và ngoài xã đã đến gia đình bà học tập nuôi lợn đen. Đến nay, sau khi trừ chi phí cho gia đình bà thu lãi trên 80 triệu đồng/năm từ nuôi lợn đen.
Đồng chí Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh khẳng định, lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Ban đầu tham gia mô hình chỉ có 4 hộ tham gia với 40 con lợn giống, qua quá trình triển khai, đến nay, xã đã nhân rộng được 63 hộ với 458 con. Đồng thời khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm lợn đen trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương.
Việc nhân rộng và phát triển mô hình lợn đen bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu lợn đen Phú Thịnh, Trung Sơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.
Bài, ảnh: Quốc Việt
Nguồn: Báo Tuyên Quang