Hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có nhiều cơ sở đang ở trong khu dân cư. Từ lâu, tỉnh đã có chủ trương di dời các cơ sở giết mổ gia súc ra khỏi khu dân cư, thế nhưng chưa thể thực hiện vì chưa xây dựng được khu giết mổ gia súc tập trung.
Các cơ sở giết mổ gia súc nằm trong khu dân cư
Gần 3 giờ sáng 19-10, tại một cơ sở giết mổ heo ở hẻm 151 đường Đồng Nai (phường Phước Hải, TP. Nha Trang), cả chục nhân công đang làm việc cật lực trong khu vực có diện tích khoảng 60 m2. Bà Phạm Thị Khánh Hà – chủ cơ sở cho biết, bà thuê mặt bằng này để làm cơ sở giết mổ heo đã hơn 15 năm nay. Mỗi ngày, cơ sở giết mổ khoảng 10 con heo tiêu thụ ở Nha Trang và huyện Diên Khánh. Nguồn gốc heo được mua về từ tỉnh Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam – Chi nhánh Nha Trang.
Chợ đầu mối thịt heo tự phát hoạt động hàng chục năm nay trên đường Đồng Nai, phường Phước Hải.
Theo chủ lò mổ này, ban đầu, khu vực Phước Hải chỉ có khoảng 5 lò mổ heo, sau này có thêm một số cơ sở nữa, trở thành khu vực đầu mối cung cấp thịt heo phân phối cho thị trường Nha Trang và khu vực lân cận suốt mấy chục năm nay. Qua quan sát của chúng tôi, các cơ sở thường có diện tích khoảng 60 – 100 m2. Heo được giết mổ, làm nội tạng ngay trên nền xi măng, nước thải từ quá trình giết mổ xả ra bốc mùi hôi đặc trưng. Sau khi giết mổ, heo được đưa ra bày bán tại các lô sạp dọc đường Đồng Nai, việc mua bán diễn ra từ 1 giờ đến rạng sáng.
Các cơ sở giết mổ heo ở phường Phước Hải nằm trong khu dân cư đông đúc. Ông Đặng Văn Khánh (người dân sống ở gần lò mổ) cho biết, gia đình ông sinh sống ở khu vực này đã 9 năm. Suốt những năm qua, gia đình ông phải sống chung với tiếng ồn và mùi hôi từ các cơ sở giết mổ heo. “Ban ngày đi làm, ban đêm chỉ mong có không gian yên tĩnh để con cái học hành và nghỉ ngơi. Nhưng từ nửa đêm đến sáng, việc giết mổ heo lại diễn ra huyên náo, mùi hôi ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt gia đình. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân khu vực này đều phản ánh đến các cấp chính quyền về ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi từ các cơ sở giết mổ heo. Cách đây mấy năm, tôi nghe chính quyền có chủ trương di dời các cơ sở giết mổ heo đến khu giết mổ gia súc tập trung, người dân ai cũng vui mừng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện” – ông Khánh nói.
Rạng sáng, chúng tôi đến một cơ sở giết mổ bò ở phường Vạn Thạnh (Nha Trang). Thịt bò sau khi xẻ khối được treo lên, hoạt động pha lóc thực hiện trên bàn cao; các nhân viên có mặc trang phục theo quy định. Bà Nguyễn Thị Cúc (chủ cơ sở) cho biết, bà thuê mặt bằng tại đây để làm cơ sở giết mổ bò đã hơn 10 năm, mỗi đêm giết mổ khoảng 5 – 6 con bò để cung cấp cho khu vực Nha Trang và Diên Khánh. Cơ sở này tương đối rộng rãi, phân chia các khu vực nuôi nhốt, giết mổ, vệ sinh, pha lóc… rõ ràng theo tuần tự một chiều. Nước thải trong quá trình giết mổ được xả vào các hố thu đúng quy định, chất thải được gom dọn rồi bán cho các nhà vườn làm phân bón. “Khi Nhà nước có chủ trương di dời cơ sở đến nơi giết mổ tập trung, tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ di dời ngay” – bà Cúc nói.
Phần lớn không đảm bảo các điều kiện quy định
Ông Phan Đăng Dũng – Chủ tịch UBND phường Phước Hải cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 9 cơ sở giết mổ heo hoạt động hơn 20 năm nay. Hầu hết các cơ sở này đều không có giấy phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nằm trong các khu dân cư, gây bức xúc cho nhân dân trong thời gian dài. Trong nhiều năm qua, địa phương đã kiến nghị thành phố xem xét di dời các cơ sở giết mổ này ra khỏi khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân. UBND phường cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở giết mổ heo. Ví dụ như ngày 18-8, qua kiểm tra, UBND phường đã lập biên bản và ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở giết mổ heo (chủ yếu tập trung ở đường Đồng Nai) với tổng số tiền xử phạt 13 triệu đồng đối với các vi phạm về: Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, an toàn lao động. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, phường cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn đối với một lò mổ do vi phạm nhiều lần, gây bức xúc cho người dân trong khu vực.
Nhiều công đoạn làm ngay trên nền đất.
Theo ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những năm qua, chi cục đã cùng với các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá và quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Qua đó, đã yêu cầu các cơ sở cải tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế; chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong hơn 2 năm qua, từ chỗ toàn tỉnh có hơn 170 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đến nay chỉ còn 134 cơ sở hoạt động, trong đó có 40 cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tăng 8 cơ sở so với cuối năm 2022.
Cán bộ thú y đóng dấu kiểm soát giết mổ tại một lò mổ heo ở phường Phước Hải.
Cơ quan chuyên môn đánh giá, hiện nay, phần lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh thú y; ở ngay trong khu dân cư, mặt bằng nhỏ hẹp, không đủ diện tích để phân chia các khu vực giết mổ riêng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy cơ ô nhiễm chéo trong quá trình giết mổ; kết cấu vật liệu xây dựng chưa đảm bảo; hệ thống thu gom và xử lý nước thải còn nhiều bất cập, nước thải xả thẳng vào môi trường sinh hoạt công cộng; trang thiết bị, vật dụng sử dụng trong giết mổ thủ công. Chỉ tính riêng giết mổ heo, mỗi ngày, các cơ sở giết mổ 900 – 1.200 con. Chất thải từ hoạt động giết mổ chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường là nguồn gây ô nhiễm và có thể gây lây nhiễm bệnh cho người và vật nuôi do chứa nhiều loại mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm… Ở các cơ sở giết mổ gia súc, ô nhiễm tiếng ồn, chất thải, khí thải… đều ở mức đáng báo động. Trong hầu hết các đợt tiếp xúc cử tri suốt hơn 10 năm qua ở phường Phước Hải, cử tri đều kiến nghị chính quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cần sớm có khu vực giết mổ gia súc tập trung
Để giải quyết được những vấn đề nêu trên cần có khu giết mổ gia súc tập trung hiện đại, đồng bộ. Từ năm 2000, tỉnh đã đặt vấn đề xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung ở Nha Trang. Đến năm 2003, UBND tỉnh đã giao đất tại phường Vĩnh Hải để thành phố xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung. Nhưng sau nhiều năm ì ạch, địa điểm trên không còn phù hợp, khu giết mổ được tính toán chuyển về xã Vĩnh Phương (Nha Trang), nhưng sau đó cũng không phù hợp. Đến năm 2012, địa điểm được chọn tại thôn Phước Sơn (xã Phước Đồng, Nha Trang). Dự án chuẩn bị khởi công thì lại vướng quy chuẩn mới, đó là khoảng cách an toàn từ khu giết mổ gia súc đến các thiết chế khác không còn đảm bảo.
Những năm gần đây, tỉnh dự kiến khu đất tại thôn Đông (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) để xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc tập trung. Theo đề xuất của nhà đầu tư, nhà máy có khả năng giết mổ 960 con heo/ngày với quy trình tự động, đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, đạt tiêu chuẩn HACCP; cung cấp thịt heo cho thị trường Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Trong cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về Dự án Nhà máy giết mổ gia súc tập trung tại thôn Đông, diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất hồ sơ để dự án có thể triển khai đầu tư xây dựng vào năm 2024. Chỉ khi Nhà máy giết mổ gia súc tập trung đi vào hoạt động mới có thể kiên quyết di dời các cơ sở giết mổ gia súc ra khỏi khu dân cư theo chủ trương của tỉnh.
Hồng Đăng – Thái Thịnh
Nguồn: Báo Khánh Hòa