Việc liên kết với các công ty chăn nuôi lớn trong nước đã giúp các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có thu nhập cao nhờ những cam kết về quản lý rủi ro dịch bệnh và đảm bảo đầu ra ổn định.
Năm 2018, gia đình anh Dương Thế Anh ở thôn An Ninh, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn xây dựng 2 chuồng trại chăn nuôi với tổng diện tích 2.200 m2. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, quy mô khoảng 20 – 25 nghìn con gà/lứa.
Anh Dương Thế Anh cho biết: Tham gia liên kết chăn nuôi gà, gia đình được công ty hỗ trợ đầu tư hệ thống máng ăn, máng nước tự động, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và được cung cứng con giống, thức ăn theo hình thức trả chậm. Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, công ty sẽ thu mua gà thành phẩm và trừ tiền cung ứng trước, còn lại thanh toán cho người chăn nuôi. Bình quân mỗi năm gia đình chăn nuôi được 3 lứa, trừ tất cả các chi phí, doanh thu từ 700 đến 800 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi gà của anh Dương Thế Anh liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam
Tại địa bàn huyện Bắc Sơn hiện có 5 hộ chăn nuôi thực hiện liên kết chăn nuôi với các công ty chăn nuôi lớn (4 hộ nuôi gà, 1 hộ nuôi lợn).
Ông Phạm Bá Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bắc Sơn chia sẻ: Trên địa bàn huyện có 8 hộ chăn nuôi gà, lợn với quy mô lớn thì có đến 5 hộ thực hiện phương thức chăn nuôi liên kết với các công ty chăn nuôi lớn. Nhiều hộ chăn nuôi theo phương thức liên kết trên địa bàn huyện đều có lợi nhuận từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay, việc phát triển các trang trại chăn nuôi theo phương thức thức liên kết đang được nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện quan tâm tìm hiểu và hướng đến ký kết hợp đồng liên kết.
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại một số huyện như Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Quan, Tràng Định thực hiện liên kết với các công ty chăn nuôi lớn như: Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Chăn nuôi Thọ Xuân… Theo đó, quy mô của các hộ chăn nuôi theo phương thức liên kết đều khá lớn (hộ chăn nuôi lợn từ 4.000 con/lứa trở lên; gà từ 10.000/lứa con trở lên). Trung bình các hộ tham gia nuôi gia súc, gia cầm liên kết với các công ty chăn nuôi lớn sau khi trừ các chi phí thì có thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/năm (tùy vào quy mô).
Theo chia sẻ từ các hộ chăn nuôi liên kết, khi ký kết hợp đồng liên kết với các công ty chăn nuôi lớn, lợi ích nhận được rõ nhất là hiệu quả kinh tế được tăng lên gấp 2 lần, trong khi chi phí đầu tư ban đầu giảm 30% so với trước khi liên kết.
Cụ thể, khi tham gia liên kết, các hộ chăn nuôi được cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y… ngay từ đầu mà chưa cần trả chi phí ngay và sau khi bán sản phẩm cho công ty mới trừ chi phí đầu tư ban đầu. Không những vậy, giá con giống, thức ăn, thuốc thú y của công ty chăn nuôi liên kết tính với các hộ chăn nuôi cũng có sự ưu đãi. Chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm ổn định nên thu nhập mang lại cao.
Tiếp nữa là việc liên kết với các công ty chăn nuôi lớn còn giúp các hộ chăn nuôi quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, con giống ngay từ đầu, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên vật nuôi ít bị lây nhiễm các loại bệnh dịch.
Trao đổi về mô hình chăn nuôi liên kết này, ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi với các công ty chăn nuôi lớn đã giúp các hộ chăn nuôi vừa được chia sẻ quyền lợi vừa hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, đồng thời sản phẩm được bao tiêu ổn định, hiệu quả kinh tế thu về rất cao.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Trong điều kiện biến đổi khí hậu và dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, việc chăn nuôi theo phương thức liên kết với các công ty chăn nuôi lớn hiện là mô hình chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết phát triển chăn nuôi; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ, cơ sở chăn nuôi chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó có đủ điều kiện ban đầu để thực hiện liên kết với các công ty chăn nuôi lớn.
Việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và các công ty chăn nuôi lớn (sở hữu công nghệ, vốn, kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm) đã và đang mang lại lợi ích “kép” cho các hộ chăn nuôi, góp phần để quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển lớn và bền vững hơn.
Trí Dũng