Từ lâu đời con trâu được coi là tài sản lớn trong các gia đình của đồng bào dân tộc Thái. Quý trọng loài vật nuôi này nên từ xa xưa, đồng bào đã có Lễ cúng vía trâu (bó khoăn khoai) để tạ ơn sau khi vụ mùa đã xong.
Ông Cà Văn Chung, Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Sơn La, cho biết: Trước đây, đồng bào Thái thường thả trâu ở bãi thả chung của bản gọi là púng khoai. Púng khoai có hai cửa, một cửa vào và một cửa ra. Các gia đình trong bản sẽ thay phiên nhau trông coi, cứ bốn gia đình trông trong năm ngày (hai gia đình trông ở cửa vào và hai gia đình trông ở cửa ra), đến tháng cày, bừa mới đưa trâu về. Do chỉ cấy một vụ lúa mùa vào tháng năm, thu hoạch vào tháng mười để tránh giá rét và một số chân ruộng phải chờ nước mưa, nên Lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng năm, sau khi cấy lúa xong, trước khi thả trâu vào bãi chăn thả.
Cả bản tập trung bàn bạc, thống nhất việc tổ chức lễ cúng. Thầy mo xem ngày lành tháng tốt, sau đó thông báo cho bà con dân bản biết để chuẩn bị làm lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong một ngày, mỗi gia đình tự chuẩn bị mâm lễ vật, có thể mời thầy mo trong bản đến cúng hoặc gia chủ tự cúng.
Tái hiện Lễ cúng vía trâu trong khuôn khổ Lễ hội mừng cơm mới tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Ông Cầm Vui, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Sơn La, thông tin: Lễ cúng vía trâu không cầu kỳ, chủ nhà chuẩn bị một mâm lễ vật, gồm một con gà luộc chín, hai bát nước luộc gà, muối, một đĩa trầu, vỏ chay, tám chén rượu, tám đôi đũa, hai ếp khảu, một chai rượu. Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên của gia đình, thầy mo khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ, xin phép tổ tiên được làm lễ cúng vía cho trâu và phù hộ cho trâu khỏe mạnh.
Sau đó, gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng thứ hai tương tự mâm lễ đầu và có thêm cỏ lau, hai rọ lông gà đặt tại chuồng nhốt trâu của gia đình. Thầy mo xin thổ địa về thụ lễ, báo cáo mùa vụ đã xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu để trâu được khỏe mạnh, cày tốt. Sau đó, thầy mo cử hành nghi thức với từng con trâu, lần lượt theo thứ tự từ con đầu đàn đến con trâu bé nhất. Khi tạ ơn con nào thì sẽ kéo con trâu đó ra trước mâm cỗ cúng rồi đọc bài cúng.
Bài cúng có nội dung rằng cả năm trâu đã vất vả, có những lúc do sức ép của mùa vụ, người đối xử với trâu không được tốt nên khi xong mùa vụ, gia đình có mâm lễ cúng vía cho trâu, mong con trâu khỏe mạnh, không ốm đau. Hết bài cúng, thầy mo lấy cỏ lau, muối, xôi cho trâu ăn để cảm ơn con trâu luôn đồng hành với nhà nông.
Cúng xong vía trâu, chủ nhà sẽ mang cày, bừa ra rửa sạch rồi gác vào cạnh bếp thể hiện sự trân trọng công cụ sản xuất của nhà nông và thể hiện rằng mùa vụ cấy, cày đã kết thúc, con trâu được nghỉ ngơi, con người bảo quản tốt nông cụ để sang năm làm tiếp mùa vụ mới. Các gia đình tổ chức ăn uống, vui vẻ chúc tụng nhau và nghỉ ngơi sau mùa cày, cấy.
Tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Lễ cúng vía trâu được duy trì đều đặn hằng năm. Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Hiện nay, xã có trên 3.000 con trâu, trọng lượng mỗi con từ 500 đến 1.000 kg trở lên. Vào tháng 5 dương lịch, sau khi cấy xong vụ mùa, các hộ gia đình người Thái ở các bản Lướt, Phày, Đông Suông, Nà Tâu, Mường Chiến… sẽ tổ chức cúng vía trâu tại gia đình. Ngoài ra, tại Lễ hội mừng cơm mới, chúng tôi đã tái hiện lại Lễ cúng vía trâu của dân tộc Thái. Đây là dịp để bà con dân bản chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết. Đồng thời, tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan du lịch.
Là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của đồng bào dân tộc Thái, nghi thức cúng vía trâu đơn giản, lành mạnh, không tốn kém. Đây cũng là một tập quán tốt đẹp, biểu thị lòng nhân hậu, tính nhân văn sâu sắc của đồng bào dân tộc Thái Sơn La.
Bài, ảnh: Lò Thái
Nguồn: Báo Sơn La