Khi thời tiết chuyển rét cũng là lúc các hộ chăn nuôi trên địa bàn, nhất là tại các địa phương vùng cao khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Gia đình ông Tráng Mìn Sơn (thôn Lũng Pâu, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương) nuôi 5 con trâu. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch vụ mùa, gia đình ông lại thu gom, phơi khô rơm và cất trữ cẩn thận để làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Cùng với đó, gia đình ông mua bạt quây kín chuồng nuôi gia súc, tránh gió lùa và nước mưa hắt vào.
Người dân chủ động che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.
Không chỉ gia đình ông Sơn, hầu hết hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Mường Khương cũng chủ động triển khai sớm việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn là 12.153 con, trong đó có 8.895 con trâu, 3.055 con bò, 205 con ngựa. Toàn huyện có 4.003/4.201 hộ có chuồng nuôi nhốt gia súc (chiếm 95,29%), trong đó 3.062 hộ có chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố, đảm bảo phòng, chống rét; 4.193/4.201 hộ đã dự trữ thức ăn cho đại gia súc (chiếm 99,81%), trong số này có 2.875 hộ dự trữ từ 200 kg thức ăn/gia súc trở lên; 2.076 hộ trồng cỏ và gieo ngô dày (145 ha) làm thức ăn cho gia súc…
Huyện Bắc Hà hiện có 17.525 con đại gia súc, trong đó có 14.748 con trâu, 1.076 con bò, 1.701 con ngựa, với 5.974 hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Đến thời điểm này, huyện có 3.706 hộ trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, với 364 ha, sản lượng ước đạt 101.255 tấn; 3.968 hộ dự trữ được từ 200 kg thức ăn/gia súc trở lên.
Dự báo mùa đông năm 2023 – 2024 đến muộn, tuy nhiên từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 sẽ xảy ra hình thái thời tiết cực đoan như mưa đá, rét đậm, rét hại, nếu không làm tốt công tác phòng, chống sẽ gây thiệt hại tới sản xuất và chăn nuôi.
Vũ Thanh Nam
Nguồn: Báo Lào Cai