Đó là câu chuyện của ông Già Sông Thái cán bộ xã Đoọc Mạy, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc ở trụ sở, ông Thái trở về nhà với vai trò là một nông dân, bắt tay vào chăm sóc đàn gia súc. Già Sông Thái còn giúp nhiều hộ phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nỗ lực phát triển chăn nuôi hàng hóa
Gia đình Già Sông Thái trước đây cũng như nhiều hộ đồng bào Mông thuộc diện nghèo đói ở xã Đọoc Mạy (Kỳ Sơn). Khi lập gia đình, sinh con, cuộc sống lại càng thêm chật vật. Già Sông Thái hàng đêm trằn trọc, suy nghĩ, đặt câu hỏi: “Làm thế nào để gia đình yên tâm về bữa cơm no, con cái được đi học đầy đủ?”.
Năm 2002, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương về việc giao đất rừng cho từng hộ gia đình quản lý, bảo vệ để chăn nuôi sản xuất. Già Sông Thái khi đó là cán bộ kế toán xã, đã bàn với gia đình xin nhận quản lý 8 hecta đất rừng tại khe Huồi Ngoắt, Bản Huồi Viêng, trong đó có khoảng 2 hecta là đất đồi thoải có thể khai hoang ruộng nước, trồng cây nông sản ngắn vụ. Diện tích còn lại chủ yếu là đất dốc, có khe suối thì gia đình anh khoanh vùng chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày và trồng cỏ để chăn nuôi.Vượt qua những khó khăn ban đầu và sự khắc nghiệt của thời tiết, gia đình Già Sông Thái vừa khai hoang ruộng nước, vừa chăn nuôi cải thiện đời sống, phát triển kinh tế tạo thu nhập ổn định dần cho gia đình.
Ông Già Sông Thái (ngoài bên trái) đang chăm sóc đàn gia súc và chia sẻ kinh nghiệm cho một số hộ dân trong vùng. Ảnh: Vừ Y Ca
Đến năm 2017, UBND huyện và Phòng Nông nghiệp Kỳ Sơn có Quyết định số: 747/QĐ-UBND ngày 11/02/2017 về phê duyệt dự toán và mô hình chăn nuôi bò địa phương, hỗ trợ gia đình 01 con bò bê và 11 cuốn lưới B40. Già Sông Thái đã mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp trong đó chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Già Sông Thái tìm tòi, mua giống, trồng 3 ha cỏ voi để đảm bảo thức ăn cho gia súc, nhất là trong thời điểm mùa khô, rét đậm, rét hại. Bằng sự chăm chỉ của vợ chồng, cuộc sống của gia đình Già Sông Thái khá lên từng ngày.
Hiện, gia trại của Già Sông Thái có 44 con trâu bò, mỗi năm bán ra từ 10 đến 15. Ngoài ra anh còn kết hợp nuôi gà đen, trồng cây tiêu rừng, một số loại cây ngắn hạn như gừng, ngô nếp, dưa chuột trên diện tích đất 3 hecta. Mỗi năm thu nhập bình quân từ gia trại của Già Sông Thái đạt khoảng 160 đến 180 triệu đồng. Bây giờ, gia đình Già Sông Thái đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, các con được nuôi ăn học chu đáo. Từ thành công của gia đình Già Sông Thái, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể ở xã Đọoc Mạy đã tích cực tổ chức vận động bà con các bản phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, từng bước giúp dân bản xóa đói giảm nghèo bền vững.
Gia trại của Già Sông Thái hiện có 44 con trâu bò, bình quân mỗi năm bán ra từ 10 đến 15. Ảnh: Vừ Y Ca
Lan tỏa quyết tâm xóa đói, giảm nghèo
Quá trình triển khai các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể ở xã Đọoc Mạy luôn lấy tấm gương của Già Sông Thái để “nói cho dân nghe, nói cho dân tin”. Bản thân Già Sông Thái rất tích cực đến thăm các gia đình quyết chí phát triển chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, giúp nhiều hộ nắm vững kỹ thuật, đem lại hiệu quả chăn nuôi cao hơn. “Để thực sự trở thành một người cán bộ mẫu mực, có uy tín và có thể nói để dân nghe, dân tin, ngoài việc làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người cán bộ xã, gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng để làm gương” – Già Sông Thái tâm sự.
Gia đình ông Già Giống Chùa, ở bản Huồi Viêng (xã Đoọc Mạy) được Già Sông Thái hỗ trợ “cho vay” 01 cặp bò sinh sản không tính lãi suất và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ voi. Đến nay gia đình ông Chùa phát triển đàn bò lên 06 con, thu nhập cũng nhờ đó được cải thiện. “Nếu không được anh Thái chỉ dẫn cho cách chăn nuôi tốt, tôi như người đi lạc trong rừng. Giờ đây, tôi biết kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để con trâu, con bò khỏe mạnh hơn, cây rau, cây cỏ tươi tốt hơn rồi, đưa gia đình thoát khỏi cái đói, cái nghèo” – ông Già Giống Chùa vui vẻ chia sẻ.
Đồng chí Già Sông Thái (ngoài bên phải) cùng một số hộ trao đổi kỹ thuật phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ảnh: Vừ Y Ca
Với trách nhiệm cán bộ xã, đồng chí Già Sông Thái luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trước năm 2008, đồng chí Già Sông Thái làm kế toán ở xã Đọoc Mạy. Đến năm 2008, đồng chí Già Sông Thái được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Từ năm 2010 đến nay, đồng chí được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Với chức trách đó, đồng chí Già Sông Thái tăng cường đến các bản, vận động bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. “Bản thân tôi là một cán bộ, phải luôn nỗ lực làm tốt trách nhiệm, nêu gương cho người dân, khuyến khích bà con cùng phát triển sản xuất chăn nuôi, để đời sống đồng bào ngày no ấm”- ông Già Sông Thái chia sẻ.
Khi đánh giá về tấm gương của Già Sông Thái, đồng chí Vi Văn Khuôn – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Già Sông Thái là một cán bộ xã rất có uy tín tại địa phương, được người dân kính trọng. Đồng chí ấy luôn thực hiện tốt công tác chuyên môn, và là cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng chí luôn nắm bắt chủ trương phát triển kinh tế của các cấp để tuyên truyền, định hướng, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong bản, trong xã. Thành công của mô hình kinh tế gia đình đồng chí Già Sông Thái đã trở thành động lực cho nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế trên địa bàn xã. Hiện nay, bà con trong xã đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ…:”.
Đồng chí Già Sông Thái cùng cán bộ xã Đọoc Mạy hướng dẫn các hộ dân các bản tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: Vừ Y Ca
“Những năm qua, bình quân mỗi năm, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) giảm được 5% hộ nghèo. Tuy nhiên, đến nay, hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao, chiếm 64,3%. Đó là trăn trở rất lớn của bản thân tôi và cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở xã. Tin tưởng rằng, ngày càng có nhiều hộ đồng bào ở Đọoc Mạy sẽ vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng” – đồng chí Già Sông Thái chia sẻ.
Đậu Viết Cường
Nguồn: Báo Nghệ An