Cần cù chịu khó, lại biết áp dụng kiến thức khoa học công nghệ trong chăn nuôi, ông Huỳnh Văn Bình (54 tuổi, xã Tam Trà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thành công với mô hình chăn nuôi heo khép kín trong hệ thống chuồng lạnh, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Khu chuồng trại rộng hơn 700 m2 trên một thửa đất gần nhà được ông Bình đầu tư khá quy mô. Đi học hỏi từ nhiều nơi, năm 2017, ông Bình mạnh dạn bỏ vốn đầu tư chuồng trại bài bản, bố trí khoa học phù hợp với từng lứa tuổi đàn heo. Chuồng trại gồm khu xử lý thức ăn, khu nuôi heo và hầm biogas xử lý phân, nước thải, được xây dựng thông thoáng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, cách ly với môi trường xung quanh. Trang trại được trang bị hiện đại như hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn, uống nước tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong… Tất cả đều được ông quan sát qua camera. Vì thế, dù trang trại rộng, đàn heo nhiều, nhưng ông chỉ cần 4 nhân công chăm sóc.
“Mô hình chuồng trại lạnh khép kín, nhiệt độ luôn ổn định, đàn heo ít bị mệt do nắng nóng, giúp heo vận động tốt, ăn khỏe và tăng trưởng ổn định, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, phải tuyệt đối không cho người lạ và động vật vào khu chăn nuôi, như vậy mới đảm bảo đàn heo không tiếp xúc trực tiếp với nguồn dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là nhiều loại bệnh nguy hiểm trên heo như tai xanh, lở mồm long móng, viêm phổi, tả lợn châu Phi ” – ông Bình cho biết.
Sau một thời gian, đàn heo phát triển khỏe mạnh, ông tiếp tục đầu tư thêm một khu nuôi mới với diện tích 700 m2 trên đất rừng hiện có của gia đình. Hiện đàn có 100 heo nái, trong đó có 40 heo nái sinh sản và 60 heo nái hậu bị, hơn 200 heo thịt. Theo ông Bình, việc chủ động con giống giúp hạn chế việc nhập heo mới không rõ nguồn gốc để giảm rủi ro cho đàn. Ở trang trại luôn có nái hậu bị khỏe mạnh, giống tốt để sẵn sàng phối giống, thay thế đàn khi cần đảm bảo năng suất sinh sản của trại ở mức cao nhất.
Mỗi năm, 40 heo nái đang độ tuổi sinh sản cho ra khoảng 900 heo con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông. Năm 2017, lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu đồng, năm 2018 đạt 500 triệu đồng. Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, dịch bệnh khiến nhiều hộ gia đình phải treo chuồng, không dám tái đàn thì trang trại của ông Bình, đàn heo vẫn phát triển ổn định, chỉ có một vài cá thể nhiễm bệnh.
“Cả nhà tôi ai cũng lo lắng, vì đàn heo số lượng nhiều, nếu nhiễm bệnh thì sẽ khó kiểm soát, nặng có khi mất trắng. Vì thế, chúng tôi thay nhau trực 24/24, kiểm tra sức khỏe từng con, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, nước uống, khâu vệ sinh để bảo vệ đàn heo” – ông Bình cho biết.
Nhờ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh chặt chẽ, đàn heo của ông ít bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Heo xuất ra thị trường đều được các thương lái thu mua hết. Năm 2020, với việc mở rộng quy mô chăn nuôi, đàn heo phát triển tốt giúp ông Bình thu lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2021, ông quyết tâm mở rộng quy mô hơn nữa, khu đất 1.000 m2 của gia đình tiếp tục được đầu tư xây dựng chuồng trại. Hiện ông Bình đang liên kết với Công ty TNHH Cargill Việt Nam để được hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn và đầu ra của sản phẩm.
Theo ông Bình, dịch bệnh là vấn đề lo lắng nhất khi nuôi heo, vì thế, ngay từ đầu phải đầu tư trang trại, trang thiết bị kỹ thuật bài bản, đồng thời triển khai các biện pháp phòng bệnh thì mới giúp hạn chế ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên đàn. “Con heo rất nhạy cảm, chỉ cần khâu vệ sinh không đảm bảo thì ảnh hưởng ngay. Yếu tố quan trọng nằm ở khâu chăm sóc con nái, đảm bảo quy trình thì heo con sẽ đạt chất lượng, từ đấy heo thịt mới phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao” – ông Bình nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết, mô hình chăn nuôi heo của ông Bình phát triển rất hiệu quả tại địa phương, ông Huỳnh Văn Bình là một người chịu khó, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nâng cao thu nhập vươn lên làm giàu trên chính quê hương.
Theo ông Bình, đây là hướng đi người dân có thể học tập để phát triển kinh tế bên cạnh cây keo truyền thống, tuy nhiên, nên chú trọng đến yếu tố môi trường trong chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang hình thức nuôi tập trung, khép kín, chăn nuôi bền vững.
H.Liên – Mỹ Linh
Nguồn: Báo Quảng Nam