Được cung cấp thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ về kỹ thuật và đặc biệt là không phải lo đầu ra… là những ưu điểm của việc chăn nuôi gia công mà ông Đào Văn Hiểu, ở xóm Dẫy, xã Đào Xá, huyện Phú Bình (Thái Nguyên), nhận thấy sau 12 năm chăn nuôi lợn theo hình thức gia công cho Công ty cổ phẩn Chăn nuôi CP Việt Nam. Hình thức chăn nuôi này không chỉ giúp gia đình ông Hiểu từng bước làm giàu, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Vào thăm chuồng trại chăn nuôi của ông Hiểu, chúng tôi được thực hiện các bước khử trùng theo quy định. Vừa dẫn chúng tôi thăm các ô chuồng, ông Hiểu vừa chia sẻ: Từng trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 2012, qua tìm hiểu thông tin từ các cơ quan chuyên môn và anh em bạn bè, tôi bắt đầu liên kết với Công ty CP để chăn nuôi gia công lợn thịt. Thực hiện việc hợp tác này, trên diện tích 4.000 m2 đất, trong 2 năm 2012 và 2013, gia đình tôi đã xây 3 khu chuồng theo quy chuẩn, với kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Các khu chuồng được xây dựng đã phát huy hết ông suất, từ nhiều năm nay, gia đình tôi thường xuyên duy trì 1.800 con/lứa (600 con/chuồng), mỗi năm nuôi 2 lứa.
Ông Đào Văn Hiểu (áo cộc) giới thiệu về mô hình chăn nuôi lợn gia công của gia đình.
Theo ông Hiểu, điểm khác biệt của hình thức chăn nuôi gia công này là toàn bộ vật nuôi được thực hiện theo phương châm cùng vào, cùng ra, nghĩa là nhập lợn con và xuất lợn thương phẩm cùng thời điểm. Điều này giúp trang trại thực hiện hiệu quả công tác phòng bệnh. Đặc biệt là Công ty thu mua toàn bộ đàn lợn, giúp người chăn nuôi hoàn toàn yên tâm.
Công tác phòng bệnh được trang trại đặc biệt chú trọng. Theo đó, sau khi xuất chuồng, trang trại thực hiện vãi vôi bột, phun thuốc khử khuẩn và để một thời gian đảm bảo mới lại tiếp tục vào lứa sau. Công nhân được trang bị quần áo bảo hộ và được sát khuẩn trước khi ra vào. Ngoài 3 công nhân được thuê làm việc toàn thời gian và 2 lao động của gia đình, trang trại của ông Hiểu lúc nào cũng có một cán bộ kỹ thuật Công ty theo dõi, nắm bắt hoạt động chăn nuôi chung.
Ông Hiểu cho biết thêm: Nếu như chăn nuôi nhỏ lẻ, lợn cứ đạt trọng lượng là được xuất. Nhưng chăn nuôi gia công có một yêu cầu ngặt nghèo là toàn bộ đàn lợn thương phẩm phải được xét nghiệm máu, khi không còn tồn dư kháng sinh mới đủ điều kiện xuất chuồng. Vì thế, để lợn được xuất chuồng theo đúng hợp đồng (từ 4-5 tháng), chúng tôi phải thuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc của Công ty.
Cũng vì thực hiện tốt các yêu cầu về kỹ thuật nên việc chăn nuôi của ông Hiểu đều suôn sẻ. Điều này đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tính trung bình một con lợn cho thu lãi từ 350-400 nghìn đồng, trong thời gian nuôi 5 tháng. Với quy mô chăn nuôi trung bình từ 2.800-3.000/năm, tính riêng trong năm 2023, gia đình ông Hiểu có tổng thu nhập 1,14 tỷ đồng.
Anh Lô Văn Thực, ở huyện Đồng Hỷ, công nhân làm việc tại trang trại của ông Hiểu, chia sẻ: Vợ chồng tôi làm việc tại đây được gần 3 năm. Trước đó, vợ chồng tôi ở nhà làm chè. Công việc vất vả mà thu nhập bấp bênh. Vì thế, năm 2021, chúng tôi đến làm việc toàn thời gian cho ông Hiểu. Tại đây, chúng tôi chỉ phải làm 5 tiếng/ngày để cho lợn ăn, tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại và thực hiện một số công việc khác. Nhìn chung công việc không vất vả, thời gian làm việc vừa phải, mỗi tháng được trả lương 5 triệu đồng/người và được lo toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình, thông tin: Nhiều năm qua, gia đình ông Đào Văn Hiểu được công nhận là hộ sản xuất – kinh doanh giỏi của huyện. Mô hình chăn nuôi gia công của ông Hiểu được Hội Nông dân huyện khuyến khích các hội viên đến học tập, làm theo. Bởi đây là hướng chăn nuôi an toàn, bền vững, giúp người nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn được tham gia vào mô hình khép kín trong sản xuất thực phẩm an toàn.
Nguyễn Chi
Nguồn: Báo Thái Nguyên