Nhằm phòng, chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, phá hoại cây cối, hoa màu của người dân, Hội Nông dân xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) đã xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” chăn nuôi heo bản địa bằng chuồng trại tại Thôn 3.
Là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Phước Cát 2, Thôn 3 hiện có 45 hộ dân sinh sống trải dọc theo sông Đồng Nai; gồm các dân tộc anh em như: S’Tiêng, Kinh, Nùng, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm trên 90%. Cuộc sống của bà con đa phần nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi, nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Đàn heo bản địa của các hộ dân trong thôn hơn 40 con hoàn toàn thả rong. Từ đây đã phát sinh những vấn đề mâu thuẫn giữa các hộ nuôi heo và bà con có hoa màu. Mặt khác, việc nuôi thả tự nhiên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, mất mỹ quan thôn, bản, nguy cơ phát sinh bệnh tật cho con người và vật nuôi. Thời gian nuôi quá dài dẫn đến cho thu nhập thấp, cho dù đã tận dụng lượng thức ăn có sẵn tại địa phương.
Hội Nông dân xã Phước Cát 2 với Mô hình “Dân vận khéo” nuôi heo bản địa bằng chuồng trại
Ông Đặng Văn Phước – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Vào tháng 2/2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch và chương trình thực hiện Mô hình “Dân vận khéo” chăn nuôi heo bản địa bằng chuồng trại. Ban đầu có 4 hộ dân tham gia, đến nay đã có 7 hộ, qua 8 tháng thực hiện đã thấy hiệu quả rõ rệt, được người dân đánh giá cao. Cùng với vận động người dân xây dựng chuồng trại, Hội Nông dân xã đã trực tiếp hướng dẫn, cung cấp tài liệu về kỹ thuật nuôi heo cho các thành viên. Nhờ vậy, số lượng đàn heo được tăng từ 40 con lên 60 con. Việc nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế, giảm được thời gian nuôi so với nuôi thả rong, hoa màu của những hộ xung quanh không bị phá hoại, đường thôn, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp…
Anh Điểu K Nam, một hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: “Nuôi thả rong thì heo chậm phát triển, còn nuôi nhốt phát triển nhanh hơn. Heo nuôi nhốt và heo nuôi thả rong giá bán như nhau; dao động từ 120.000 đồng – 160.000 đồng/kg. Ngày trước, bà con thường phản ánh với mình là heo thả rông phá hoại hoa màu của họ, chất thải vương vãi khắp đường sá, gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Chính vì vậy, khi được Hội Nông dân xã vận động thực hiện mô hình mình đã tự nguyện tham gia. Từ khi nuôi thả rong chuyển sang nuôi nhốt bằng chuồng trại đàn heo của mình đã tăng đáng kể về số lượng, phát triển tốt”.
Hiện nay, Mô hình Nuôi heo bản địa bằng chuồng trại tại Thôn 3 có 7 thành viên tham gia. Hiệu quả của mô hình đã được minh chứng rõ ràng khi gia đình nào cũng tăng về số lượng, heo phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt, được người mua ưa thích; quản lý, chăm sóc, phòng bệnh một cách thuận tiện…
Anh Điểu K Sưng, một thành viên tham gia mô hình, khẳng định rằng chăn nuôi bằng chuồng trại mới thấy rõ hiệu quả và hiểu được nỗi khổ của bà con về tình trạng heo thả rong phá cây cối, hoa màu. Ngay chuồng trại phải rào chắn rất kỹ lưỡng bằng lưới B40, bản tính của heo bản địa là đào bới để tìm thức ăn nên phần móng phải đổ bê tông để heo không đào bới được và thoát ra ngoài.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Phước Cát 2 sẽ vận động thêm nhiều hộ dân tham gia mô hình này với ý định thành lập một tổ hợp tác về chăn nuôi heo bản địa. Qua đó, giúp bà con có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay để mở rộng chuồng trại, đầu tư con giống, thức ăn…và điều quan trọng nhất là thay đổi hẳn tập quán chăn nuôi heo thả rong từ bao đời này của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Đức Tú
Nguồn: Báo Lâm Đồng