Triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ hơn 2 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng và từng bước nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất đối với từng vùng sinh thái khác nhau.
Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng 11 mô hình sản xuất hữu cơ giúp nông dân tiếp cận quy trình kỹ thuật mới để từng bước nhân rộng trên địa bàn. Trong đó, riêng năm 2022 đã triển khai 5 mô hình đạt những kết quả ban đầu.
Theo đó, tại 2 xã Phi Liêng và Đạ K’nàng, huyện Đam Rông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xây dựng Mô hình Chuỗi liên kết sản xuất mắc ca hữu cơ với 4 hộ tham gia canh tác trên diện tích 15 ha. Mô hình này được ngân sách nhà nước hỗ trợ vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 1 ha của 1 hộ tham gia mô hình điểm, các diện tích còn lại được cán bộ kỹ thuật khuyến nông của tỉnh và địa phương hướng dẫn các hộ tiếp cận học tập và làm theo. Kết quả thực hành theo đúng quy trình chăm sóc mắc ca hữu cơ từ vệ sinh vườn cây, xử lý cỏ dại kịp thời đến sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh khi thời tiết thuận lợi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo nguyên tắc 4 đúng, vận hành hệ thống tưới nước theo hướng dẫn kỹ thuật khuyến nông, ghi chép nhật ký đầy đủ, các nông hộ đã thu hoạch mắc ca vườn mô hình với 1,9 tấn hạt/ha, thấp hơn 100 kg hạt/ha so với vườn sản xuất đại trà. Tuy nhiên, nhờ liên kết sản xuất ổn định đầu ra, giá thu mua tại chỗ của Cơ sở chế biến mắc ca Hội Dung cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/kg, hạch toán lãi ròng sản xuất mắc ca hữu cơ cao hơn sản xuất mắc ca đại trà khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, tương ứng với hiệu quả kinh tế tăng thêm khoảng 8,4%.
Đàn bò thịt 38 con nuôi dưỡng theo quy trình hữu cơ sau 7 tháng, hộ ông Nguyễn Quốc Thắng ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương thu lời gần 7,5 triệu đồng/con
Với Mô hình Sản xuất cà phê hữu cơ tại Tổ hợp tác Cà phê Hoa Linh, xã Tân Châu, huyện Di Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức triển khai diện tích 10,5 ha với 3 hộ tham gia. Kết quả so với sản xuất cà phê truyền thống, sản xuất cà phê hữu cơ thu hoạch thấp hơn 1 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, nhờ giá bán cao hơn 3.000 đồng/kg quả tươi, do đó lợi nhuận tăng trên 11 triệu đồng/ha, tương đương 20%/ha. “Đây là kết quả giai đoạn đầu sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Khi thực hiện xong giai đoạn chuyển đổi, được cấp chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ, giá bán cao hơn 7.000 đồng/kg quả tươi. Tương ứng với lợi nhuận tăng thêm 40 – 50 triệu đồng/ha/năm. Để đạt mức lợi nhuận này, nông dân phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê nghiêm ngặt ít nhất 18 tháng mới được đánh giá, cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ…”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Trần Văn Tuận cho biết.
Ở huyện Cát Tiên cũng đã được triển khai Mô hình Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm lúa hữu cơ với 7 hợp tác xã và quy mô gần 70 ha. Mô hình vận hành hoạt động 1 hệ thống máy xay xát tự động đạt công suất 1 tấn lúa hữu cơ/1 giờ. Nhờ giá bán gạo hữu cơ cao hơn 500 đồng/kg so với gạo sản xuất thông thường, tỷ lệ tấm thấp hơn 1,7%, mô hình giảm 75% công lao động, qua đó, giúp cho các hợp tác xã có thêm thu nhập mỗi tấn lúa tăng thêm 932.000 đồng.
Tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, mô hình hữu cơ được thực hành trên cây dược liệu atiso với quy mô 2 ha. Kết quả, tỷ lệ cây atiso sống đạt 96%. Sau 1 năm chăm sóc bằng phân bón, thuốc sinh học, thu gom rác thải đúng nơi quy định, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, mô hình thu hoạch thân, rễ, lá, hoa atiso đạt doanh thu khoảng 90 triệu đồng/1.000 m2, trừ tất cả chi phí, còn lại lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/1.000 m2.
Đặc biệt, tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, trong một năm vừa qua đã xây dựng hiệu quả Mô hình Nuôi 38 con bò thịt hữu cơ của hộ ông Nguyễn Quốc Thắng. Cụ thể sau 7 tháng nuôi dưỡng theo quy trình hữu cơ, đàn bò của ông Thắng tăng trọng bình quân 738 gam/con/ngày, đạt khối lượng bình quân 155 kg/con. Với giá bán bò theo sản phẩm hữu cơ 170.000 đồng/kg hơi, mỗi con bò thải lượng phân hữu cơ bán ra 2,5 triệu đồng, hạch toán hộ ông Thắng thu lời gần 7,5 triệu đồng/con.
Qua đánh giá 5 mô hình nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng những kết quả đạt được, làm cơ sở phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 400 ha cây trồng được công nhận sản xuất hữu cơ, nâng tổng diện tích cây trồng sản xuất hữu cơ của tỉnh lên trên gần 1.800 ha. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, phát triển thêm 600 con bò thịt, bò sữa đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ, nâng tổng số đầu vật nuôi đạt chứng nhận của tỉnh lên khoảng 1.605 con.
Văn Việt
Nguồn: Báo Lâm Đồng