Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh trên đàn vật nuôi gây ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cho các đơn vị triển khai hiệu quả công tác quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm và quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021, ngành Chăn nuôi, thủy sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều loại dịch bệnh; trong đó, có một số loại dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình các loại dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, hoạt động chăn nuôi trong tỉnh đã từng bước đi vào ổn định.
Theo số liệu thống kê, hiện, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc ước đạt 560.190 con, đạt 96,7% so với kế hoạch và tăng 15,2% so với năm 2021.
Người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương đã thay đổi dinh dưỡng qua khẩu phần ăn giúp bò sữa tăng sức đề kháng, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập.
Là một trong những địa phương có tổng đàn bò thịt lớn trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu mùa nóng năm nay, các cấp, ngành chức năng của huyện Cát Tiên đã chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng, phòng bệnh cho đàn bò thịt. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Riêng trong năm 2021, trên địa bàn huyện đã phát sinh nhiều ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò với hàng trăm con gia súc bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi tại địa phương.
Trước tình hình trên, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành nhiều văn bản triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Phòng Nông nghiệp cũng đã cùng với Trung tâm Nông nghiệp huyện ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện, đội ngũ thú y các xã, thị trấn tăng cường giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý gia súc mắc bệnh, có biểu hiện nghi mắc bệnh viêm da nổi cục.
Cùng với việc cấp phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò từ huyện đến cơ sở, các ngành chức năng cũng tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại hoá chất, vôi bột và phun hóa chất diệt các loại côn trùng (muỗi, ruồi, ve) trong và ngoài chuồng nuôi để cắt đứt đường truyền lây của bệnh. Đối với các ổ dịch, Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức phun khử trùng tiêu độc, thực hiện cách ly, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh, thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng trâu, bò, nâng cao sức đề kháng, tiêm kháng sinh chống bệnh kế phát…
Ông Phạm Phi Long – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết: Trong năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên đàn lợn tại huyện Di Linh làm 165 con lợn mắc bệnh/10 hộ/6 thôn/2 xã (Tân Lâm, Gia Hiệp) khiến 165 con lợn phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 6.248 kg; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại huyện Cát Tiên làm 57 con trâu, bò mắc bệnh/18 hộ/3 thôn/2 xã, thị trấn (xã Gia Viễn và TT.Cát Tiên); bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 4 huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên làm đã có 2.060 con bò mắc bệnh/1.205 hộ chăn nuôi/128 thôn, tổ dân phố/26 xã, thị trấn khiến 216 con bê, 51 con bò phải tiêu hủy với trọng lượng là 33.115 kg.
Theo ông Phạm Phi Long, đối với các bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm chỉ xảy ra với tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Đáng ngại nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở nhiều địa phương và diễn biến vẫn hết sức phức tạp. Để hạn chế thiệt hại do bệnh dịch gây nên, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Lâm Đồng đã chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn, thông tin báo cáo, điều tra, xác minh và xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
Riêng trong năm 2021, Chi cục đã phân bổ 133.350 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò (type O, A), 133.275 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, 76.800 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò, 172.025 liều vắc xin lở mồm long móng lợn (tye O), 192.570 liều vắc xin 3 bệnh trên lợn (dịch tả, THT, PTH), 80.478 liều vắc xin dại và 346.000 liều vắc xin cúm gia cầm. Bên cạnh đó, Chi cục đã phân bổ 27.440 lít hóa chất các loại và hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác khử trùng, tiêu độc, phòng, chống dịch bệnh.
Mặc khác, trong thời gian đến, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y trên địa bàn. Bên cạnh đó, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu thông trên thị trường, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Hoàng Sa
Nguồn: Báo Lâm Đồng