Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ. Đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi; từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, thỏa đáng, đúng quy định.
Bộ nông nghiệp báo cáo về việc bò sữa chết bất thường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng. Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký cho biết, theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, việc tổ chức tiêm vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được thực hiện từ ngày 19/6 đến 2/8. Tổng cộng đã tiêm được 35.002 con bò, trong đó 25.876 con bò thịt đến nay vẫn khỏe mạnh bình thường và 9.126 con bò sữa.
Đàn bò bệnh vẫn đang được tích cực cứu chữa
“Căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y bước đầu kết luận (do hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập vi rút, giải trình tự gene và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới để xác định chính xác) nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco” – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.
Cụ thể, kết quả kiểm tra, quan sát và trao đổi về triệu chứng lâm sàng của bò sữa bị bệnh cho thấy con vật mệt mỏi, bỏ ăn, lờ đờ, thở dốc, viêm đường hô hấp, ủ rũ, chảy nước dãi. Vận động kém hoặc nằm một chỗ, triệu chứng mất nước và điện giải biểu hiện rõ. Bò bị sốt, có nhiều con sốt cao trên 40 độ C, tiêu chảy phân lỏng dạng nước và có thể bị chết sau vài ngày xuất hiện triệu chứng.
Đoàn công tác của Cục Thú y cũng đã tiến hành mổ khám 3 con bò bị chết, lấy mẫu của bò bị bệnh tiêu chảy, đồng thời mổ khám 3 con bò bị bệnh, chết để lấy mẫu của tổng cộng 17 con bò sữa (12 con đã tiêm vắc xin, 5 con chưa tiêm vắc xin và không có triệu chứng bệnh).
Cục Thú y cũng lấy 14 lô vắc xin NAVET-LPVAC để gửi các phòng thí nghiệm của Cục Thú y tổ chức xét nghiệm lặp lại nhiều lần tổng cộng 51 mẫu nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh trên bò sữa do vi rút (viêm da nổi cục và gây bệnh tiêu chảy ở bò) và vi khuẩn (Clostridium, Salmonella, E.coli, tụ huyết trùng trâu bò, Mycoplasma cpricolum subsp, Anaplasma sp, cầu trùng).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bò sữa khi nhiễm Pestivirus tauri kèm thêm nhiễm vi khuẩn Clostridium và E.coli sẽ có biểu hiện bệnh nặng và dễ bị chết hơn so với những con bò khác. Bệnh tiêu chảy do vi rút ở bò (Bovine Viral Diarrhoea – BVD) hay còn có tên gọi khác là bệnh tiêu chảy có màng nhày do vi rút ở bò (Bovine Viral Mucosal Diarrhoea, xảy ra ở bò nhiễm vi rút mạn tính) là bệnh truyền nhiễm do loài Pestivirus thuộc họ Flaviviridae gây ra.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), hiện nay có 3 type Pestisvirus gồm: Pestisvirus bovis (BVD type 1), Pestisvirus tauri (BVD type 2) và Pestisvirus brazilense (BVD type 3). Bệnh xảy ra chủ yếu trên bò sữa, loài nhạy cảm với thay đổi môi trường nuôi dưỡng, thời tiết và có sức đề kháng yếu hơn so với bò thịt, bò bản địa.
Lâm Đồng đề nghị sớm xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng
Sau các buổi làm việc liên tục với các địa phương, cơ quan chuyên môn, Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO)…, đồng chí Nguyễn Thái Học- Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có kết luận cụ thể về vấn đề này.
Theo Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, hiện nay, tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở 3 địa phương (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà) diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề ngoài mong muốn của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song vấn đề hết sức nghiêm trọng, vì các lý do: Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, việc sử dụng vắc-xin viêm da nổi cục tiêm cho bò sữa; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố và sử dụng phác đồ điều trị; hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh cho bò sữa, số lượng bò hồi phục có chiều hướng tăng lên, số bò bị chết giảm mạnh. Tuy nhiên, ở các địa phương còn xảy ra hiện tượng bò tái phát bệnh trở lại.
Nhằm đảm bảo công tác cứu chữa, điều trị cho đàn bò sữa đạt hiệu quả cao nhất, với mục tiêu số lượng bò bệnh, bò chết là ít nhất, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện: Triển khai phương án phù hợp để điều trị cho đàn bò. Tiếp tục cách ly bò bệnh để điều trị, chăm sóc, giảm nguy cơ bò chết; có phương án tập hợp bò có tình trạng bệnh nặng, nguy cơ chết cao về địa điểm tập trung để cứu chữa; Tích cực sử dụng phác đồ được công bố trong quá trình điều trị. Đồng thời, phổ biến rộng rãi phác đồ điều trị đến các địa phương, cơ sở, từng hộ chăn nuôi bò sữa, kể cả những nơi chưa xảy ra bệnh để triển khai thực hiện và có phương án chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ.
Rà soát nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, huy động tối đa lực lượng chuyên môn thực hiện công tác cứu chữa bò. Trong trường hợp cần thiết, huy động, điều phối lực lượng từ các địa phương khác trong tỉnh; nếu chưa đáp ứng đủ, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nhân lực hỗ trợ tỉnh.
Đối với các vấn đề về vắc-xin viêm da nổi cục cho bò do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) sản xuất, đề nghị làm rõ: Quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản vắc-xin; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vắc-xin viêm da nổi cục Navet – Lpvac để tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời yêu cầu khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ. Đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi; từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, thỏa đáng, đúng quy định.
Chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức họp báo ngay sau khi có văn bản chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin đầy đủ về tình hình, diễn biến bệnh tiêu chảy trên đàn bò, quá trình triển khai công tác phòng, chống, cứu chữa và công bố nguyên nhân bò bị bệnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã đề nghị Cục Thú y, Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong quá trình triển khai công tác phòng, chống, điều trị bệnh tiêu chảy ở bò. Hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, đảm bảo cung ứng đầy đủ phục vụ công tác cứu chữa đàn bò.
Đề nghị Cục Thú y báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thông báo chính thức về nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng để làm cơ sở cho tỉnh công bố chính thức và triển khai các nội dung tiếp theo theo quy định.
Đề nghị Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ đảm bảo thỏa đáng và đúng quy định.
Trong thời gian tới, khi chưa công bố kết luận chính thức về nguyên nhân bò mắc bệnh, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động người dân tiếp tục nỗ lực trong việc cứu chữa bò nhằm hạn chế tối đa số lượng bò chết do nhiễm bệnh. Tích cực sử dụng phác đồ điều trị đã được công bố, hướng dẫn người dân các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao thể trạng cho bò, xử lý các vấn đề về môi trường, vệ sinh chuồng trại. Phổ biến rộng rãi phác đồ điều trị đến đến các địa phương, người dân nuôi bò sữa kể cả những nơi chưa xảy ra bệnh để triển khai thực hiện và có phương án chuẩn bị, tránh bị động, bất ngờ.
Diễm Thương
Nguồn: Báo Lâm Đồng