Việc sản phẩm yến sào Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm của ngành yến Kiên Giang. Với đà thắng lợi liên tục trong 2 năm qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp yến sào Kiên Giang kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều bứt phá trong năm mới 2023.
Nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang đang “ăn nên làm ra” và được ví như nghề “hái lộc trời” mang lại nguồn thu khá cao cho người dân, doanh nghiệp. Theo một số cơ sở, hộ nuôi yến tại Kiên Giang, hiện tổ yến thô có giá 20 – 25 triệu đồng/kg, tổ yến tinh chế từ 30 – 35 triệu đồng/kg, tổ yến rút lông 35 – 40 triệu đồng/kg. Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, với khoảng 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 của tỉnh ước khoảng 17,5 tấn, tăng 2,9% kế hoạch, tăng gần 2% so với năm 2021.
Ðầu tư thiết bị, công nghệ, kỹ thuật ngày càng hiện đại, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể tại Kiên Giang đã thành công trong dẫn dụ chim yến, tạo ra sản phẩm tổ yến chất lượng và đem lại giá trị cao.
Anh Trần Quốc Phương bên sản phẩm yến sào chuẩn bị giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cơ sở sản xuất yến sào Du Long của gia đình anh Trần Quốc Phương, ngụ tại C1-15 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) là một trong những đơn vị khai thác, sản xuất yến sào lâu năm tại Kiên Giang. Những năm gần đây, cơ sở này đã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị từ yến sào với chất lượng luôn ổn định, gia tăng sản lượng tiêu thụ, không ngừng đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường cả nước. Anh Phương cho biết: “Với 8 nhà yến, bình quân tôi thu về từ 15-20kg yến thô. Nhu cầu sử dụng yến sào chăm sóc sức khỏe của mọi người ngày càng cao nên sản lượng tiêu thụ của cơ sở tăng lên theo từng năm. Bình quân mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 200-300kg yến các loại”. Anh Phương cho biết, sản lượng tiêu thụ có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so hồi năm 2019 trở về trước. Hiện anh đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để năm 2023 xuất khẩu sản phẩm từ yến sào sang thị trường Trung Quốc.
“Bật mí” bí quyết gia tăng giá trị sản phẩm yến sào, một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất yến sào tại Kiên Giang cho biết đã thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Sở hữu 4 nhà nuôi chim yến tại TP Rạch Giá, mỗi năm, chị Châu Thị Như Thủy, chủ Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến thu về 300kg tổ yến. Doanh nghiệp của chị Thủy còn thu mua yến thô của các hộ nuôi khác nhằm đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến.
Nhằm nâng cao giá trị mặt hàng yến sào, từ năm 2016, gia đình chị Thủy còn đa dạng sản phẩm bằng cách mở cơ sở tự chế biến các mặt hàng yến sào thành phẩm cung ứng ra thị trường, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Năm 2022, doanh nghiệp gia đình chị Thủy bán 1.000 kg yến các loại, doanh thu tăng 150% so năm 2019. “Ðể có được kết quả này, doanh nghiệp luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, đầu tư về mẫu mã, bao bì và chiến lược quảng bá trên thị trường. Ngoài ra, sự liên kết với Tập đoàn Long Beach, Công ty thực phẩm Long Beach Food và nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi cũng đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước của doanh nghiệp”.
Với việc chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn tất quy trình đưa một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới sang Trung Quốc sau nỗ lực đàm phán giữa hai bên. Việc này mở ra cơ hội phát triển cho ngành hàng triệu đô, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ nuôi yến nước ta. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chị Thủy đang kỳ vọng vào cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Hong Kong, Ðài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có không ít thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường này.
Chị Thủy nói: “Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu yến sang Trung Quốc, mong ngành chức năng tổ chức hội nghị phổ biến nội dung nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cho các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan để các đơn vị chủ động chuẩn bị, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thật kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong nghị định thư này như điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu…”.
Ông Trần Quốc Phương, chủ Cơ sở sản xuất Yến sào Du Long (TP Rạch Giá) cho rằng, yến sào là mặt hàng cao cấp, trên thị trường hiện nay thật giả lẫn lộn, có tình trạng sản phẩm từ yến bị nhái, bị giả mạo khiến người tiêu dùng bị lừa, thị trường chao đảo, ảnh hưởng xấu thương hiệu yến sào Kiên Giang. “Ðề nghị cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý việc mua bán mặt hàng yến sào. Ðồng thời, có chế tài đủ sức răn đe việc cơi nới, xây cất nhà yến không đúng quy hoạch của tỉnh, của huyện cũng như kịp thời xử lý tình trạng săn bắt chim yến vẫn đang diễn ra từng ngày nhằm giúp ngành yến Kiên Giang phát triển”, ông Phương nói.
Bài, ảnh: An Nam
Nguồn: Báo Cần Thơ