Việc ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi và chế phẩm sinh học vi sinh vật bản địa – IMO từ nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương, mục tiêu hướng tới chăn nuôi theo hướng an toàn, sạch bệnh được ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn (Quảng Nam) chú trọng.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) huyện Nông Sơn triển khai “Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ ứng dụng IMO liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Nông Sơn”.
Kỹ thuật làm IMO được triển khai tại huyện Nông Sơn. Ảnh: CTV
Mô hình triển khai tại 3 hộ dân thôn Mậu Long, xã Ninh Phước từ tháng 5 – 12.2022 với quy mô tổng đàn của 3 hộ là 600 con gà. Người dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật làm IMO với gạo, tỏi, trái cây, cá tươi, đường nâu, bột xương, vỏ ốc, bia, rượu 45 độ, xô nhựa 120 lít, xô nhựa 16 lít.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh và KTNN huyện Nông Sơn đã triển khai các lớp tập huấn, hội thảo về chăn nuôi, qua đó người dân được tập huấn kỹ thuật làm chế phẩm IMO, pha trộn và chế biến thức ăn, phòng trị một số bệnh và cách phối trộn thức ăn cho gà…
Qua theo dõi chuồng nuôi của 3 mô hình tại thôn Mậu Long, xã Ninh Phước, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tình hình dịch bệnh thấp hơn so với các chuồng nuôi tại các hộ còn lại. Ước tính, chi phí đầu tư cho 606 con gà hơn 32,5 triệu đồng, khi xuất bán, với giá bán 120.000 đồng/kg, tổng thu nhập của 3 hộ dân vùng triển khai mô hình hơn 80 triệu đồng, mỗi hộ lãi ròng gần 15 triệu đồng.
“Khi chưa biết đến chế phẩm IMO, chúng tôi phải thường xuyên dội rửa, vệ sinh chuồng nuôi song vẫn còn mùi hôi. Từ khi được tập huấn, chúng tôi có thể tự làm chế phẩm IMO với giá thành rẻ, nhân bản hàng tháng để dùng xử lý khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường” – đại diện nhóm hộ tham gia mô hình chia sẻ.
Theo ông Đặng Mai Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm KTNN huyện Nông Sơn, việc kết hợp chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ ứng dụng IMO gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Nông Sơn là hướng đi phù hợp thực tế địa phương.
Qua đó tạo chuyển biến mới trong nhận thức của người chăn nuôi về lợi ích của việc sản xuất, chăn nuôi an toàn, giảm thiểu tác động lên môi trường, giúp quản lý dịch bệnh tốt hơn, hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Song, mô hình vẫn còn hạn chế là khâu làm đệm lót chuồng chưa tốt, nguồn cấp giống còn thiếu, phải mua ở các địa phương khác với giá cao. Sản phẩm của người dân làm ra chưa cấp được giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cũng theo ông Liễu, mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ ứng dụng IMO cho thấy, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,4 lần so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình.
“Đây là mô hình hiệu quả, bền vững và mang tính thuyết phục cao, có khả năng nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các hộ tham gia mô hình cần tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình và hỗ trợ cộng đồng về kỹ thuật làm IMO, kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Đề nghị UBND các xã trên địa bàn huyện tích cực vận động nông dân áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật IMO trong chăn nuôi” – ông Liễu chia sẻ.
Triêu Nhan