(Người Chăn Nuôi) – Trong chăn nuôi lợn, người dân thường nghe nói nhiều đến hiện tượng hernia. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ thông tin về hernia và cách xử lý.
Hernia bên ngoài có các dạng như: hernia rốn, hernia bẹn, hernia hậu môn. Khi bị hernia nếu không được xử lý tốt thì sức khỏe, hoạt động tiêu hóa của lợn sẽ bị ảnh hưởng, vật nuôi chậm lớn.
Herni rốn có hai dạng là hernia rốn trên con cái và herinia rốn trên con đực.
Nguyên nhân
+ Có thể do di truyền: trong đàn có nhiều con bị.
+ Do dị tật cá thể: quá trình hình thành thai có sự sai sót, lỗ rốn không đóng kín.
+ Quá trình đỡ đẻ chăm sóc có sai sót, gây viêm nhiễm rốn, rốn lâu lành, lâu rụng, có abscess, lợn con thiếu sữa mẹ bú rốn lẫn nhau… gây tổn thương, ảnh hưởng lỗ rốn, lỗ rốn rộng ra, không đóng kín, sau đó hình thành hernia.
Hernia rốn trên con đực
Thực hiện giải phẫu
(1) Kiểm tra: đặt ngửa lợn, dùng tay bóp nhẹ hernia, nếu phần bên trong phúc mạc (ruột, đôi khi là dạ dày) tụt xuống thì hernia thuộc dạng nhẹ, chưa gây viêm dính. Nếu phần bên trong không tụt xuống (bóp thấy rất cứng) có thể có khối abscess bên trong hoặc sau khi ruột tụt xuống lâu ngày đã viêm dính với tổ chức dưới da, da (thấy có vết viêm đỏ, có khi có lổ dò ngoài da). Nếu đã viêm dính là trường hợp khó, chuẩn bị tinh thần có thể phải thực hiện thêm kỹ thuật cắt nối ruột.
(2) Cầm cột: đặt lợn nằm ngữa. Nếu có bàn giải phẫu thì đặt ngửa trên bàn, 4 chân ở 4 góc. Nếu không có bàn giải phẫu thì cột lợn tựa vào một tấm vách, 2 chân trước 1 đầu, 2 chân sau một đầu như cột võng, mình tựa vào vách cho khỏi xoay.
(3) Sử dụng thuốc:
+ Thuốc ngủ: Prozil: 1 ml/8 – 10 kg thể trọng, hoặc Prozil fort: 1 ml/25 – 30 kg thể trọng. Nếu tiêm mạch thì sau khi tiêm 5 – 10 phút lợn ngủ, nếu tiêm bắp khoảng 20 – 30 phút lợn ngủ.
+ Thuốc mê: Có thể thay thuốc ngủ bằng thuốc mê.
+ Kháng sinh: Có thể dùng một trong các loại sau đều được: Amoxi 15% LA, Ceptifi suspen, Lincoseptryl, Ka-Ampi… liều trình 3 ngày.
+ Kháng viêm: Ketovet 5%: 1 ml/16 kg thể trọng hoặc Preso: 1 ml/20 kg thể trọng kết hợp với á-Chymosin fort 1 ml/10 – 20 kg thể trọng.
+ Bổ sung khác: Vitamin K: 1 ml/5 – 7 kg thể trọng; Vime Canlamin: 1 ml/5 kg thể trọng.
(4) Kỹ thuật: con cái dễ thực hiện hơn con đực và sau khi lành có thể không thấy dấu vết của hernia. Với con đực thì khi thực hiện cần tránh phần đầu cơ quan sinh dục là được.
– Sát trùng vùng có hernia bằng cồn 700 liên tục 3 lần, thực hiện thêm một lần với cồn Iod vừa sát trùng vừa để xác định vùng giải phẫu.
– Dùng dao mổ rạch cạnh hernia một đường cong theo chu vi của hernia bằng ½ chiều dài hernia (khi nhìn ngang), cắt lơi trên hernia, không cắt sát gốc hernia (để không thiếu da khi may hoàn thành). Sau khi qua hết lớp da, dùng pen bóc tách lớp mô liên kết sẽ bộc lộ lớp phúc mạc bị giãn (gây thành bọc hernia). Vừa dùng tay bóp cho ruột không trào lên vừa dùng pen dài kẹp lớp phúc mạc giãn, sát gốc.
– Dùng chỉ tiêu, kim tròn, may từng nốt liên tiếp dưới pen dài (khi may cũng chú ý bóp dò nhẹ không để kim may dính ruột). Có thể thực hiện thêm một đường may ngược lại nếu thấy lỗ herni quá to, quá mỏng mảnh.
– Dùng kéo mở bao phúc mạc giản (xem có sai sót do có lọt ruột vào bọc không). Nếu không có cắt bỏ bao sát chân pen dài, cách pen dài khoảng 1 – 2 cm, mở pen dài.
– Cắt bỏ bọc abscess mủ nếu có, xén da ngoài lại. May từng nốt với chỉ tơ, kim tam giác
Chăm sóc
Nhốt riêng lợn sau giải phẫu để không bị cắn phá vết thương. Lợn có thể ngủ 6 giờ. Khi tỉnh cho uống nước, ngày hôm sau cho ăn nhẹ. Cấp thuốc kháng sinh 3 ngày, thuốc bồi dưỡng (nếu có). Sau 7 ngày cắt chỉ ngoài, khoảng 10 ngày có thể cho nhập đàn cũ.
Ths. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Công ty CP SXKD Vật tư và Thuốc thú y Vemedim