(Người Chăn Nuôi) – Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm phát triển như vũ bão suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính những ứng dụng mang tính đột phá về cho ăn chính xác mới là yếu tố then chốt giúp thay đổi diện mạo toàn ngành dinh dưỡng gia cầm trong tương lai. Năm 2006, châu Âu ban hành lệnh cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng (AGPs). Từ đó, nhiệm vụ nâng cao đề kháng cho vật nuôi trước các loại vi khuẩn, mầm bệnh được đặt lên hàng đầu. Nhiều hãng chăn nuôi đã xem đây là mục tiêu quan trọng cũng như xu hướng toàn cầu.
Lệnh cấm AGPs trở thành động lực thúc đẩy nhiều công ty tích cực cải tiến các sản phẩm dinh dưỡng để thu hút người chăn nuôi. Vào thời điểm đó, nhiều người chăn nuôi cho rằng, thay thế AGPs là bất khả thi và viển vông, nhưng lịch sử đã chứng minh điều ngược lại nhờ sự phát triển của công nghệ dinh dưỡng và sự ra đời của phụ gia mới. Các sản phẩm này đã tạo diện mạo mới, đồng thời góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dinh dưỡng gia cầm.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp biết nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào sản xuất mới chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất chế phẩm sinh học, axit hữu cơ đến phụ gia thực vật phytogenic. Thông qua các chiến lược R&D, các doanh nghiệp này ngày càng đa dạng danh mục sản phẩm và mở rộng kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi đã chững lại trong những năm gần đây khi các mục tiêu sản xuất bền vững được chú trọng hơn. Ngành chăn nuôi đang bước vào giai đoạn “bão hòa”. Tại những quốc gia có thu nhập cao với mức tiêu thụ bình quân theo đầu người tăng lên, thì nhu cầu tiêu thụ thịt chững lại do dân số già đi và người tiêu dùng cũng chuyển hướng sang các nguồn protein khác thân thiện môi trường và bền vững hơn.
Ngược lại, ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, dân số và thu nhập tăng sẽ thúc đẩy tiêu thụ thịt. Tại những quốc gia này, chăn nuôi càng mở rộng, thì mục tiêu loại bỏ AGPs càng bị trì hoãn trong khi số ít đang loay hoay trong quá trình chuyển đổi sang chế độ chăn nuôi không AGPs. Đây là thách thức lớn với ngành dinh dưỡng chăn nuôi, bởi nó đòi hỏi một nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm ra giải pháp hiệu quả về kinh tế để loại bỏ AGPs tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tăng trưởng của thị trường dinh dưỡng chăn nuôi phụ thuộc vào khả năng tạo ra các giải pháp hiệu quả có thể duy trì ổn định sức khỏe của gia cầm, đồng thời khai thác được tiềm năng di truyền của chúng. Bước tiếp theo của các hãng dinh dưỡng là phát triển phụ gia tiên tiến hơn dựa trên nền tảng công nghệ.
Mỗi hãng sẽ có một cách tiếp cận khác nhau trong cuộc đua về dinh dưỡng chính xác và chăm sóc sức khỏe vật nuôi. Tuy nhiên, ưu thế sẽ thuộc về doanh nghiệp biết kết hợp các dữ liệu kinh tế, sản xuất với dữ liệu sức khỏe vật nuôi để vận dụng vào sản xuất nhằm thúc đẩy lợi nhuận. Sản xuất dựa trên cơ sở dữ liệu sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành dinh dưỡng chăn nuôi trong tương lai.
Luis Romero
Giám đốc Công ty Tư vấn dinh dưỡng chăn nuôi Anh – Innovation