Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi heo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc tăng tỷ lệ nạc, giảm mỡ; đặc biệt các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong chăn nuôi heo nái được quan tâm đặc biệt.
I. Nuôi dưỡng:
1. Nuôi heo theo đúng trọng lượng chuẩn:
Điểm quan tâm đặc biệt là hàm lượng mỡ trong cơ thể heo nái. Các nghiên cứu cho thấy độ dày mỡ lưng ở vị trí P2 ở heo nái tốt diễn biến ở các lứa đẻ tăng dần đến giai đoạn đậu thai, giai đoạn đẻ, sau giai đoạn đẻ thì giảm dần xuống điểm cai sữa, sau đó lại tăng dần ở lứa tiếp theo đến giai đoạn đẻ. P2 giảm so với khi phối kỳ đầu (lúc sau cai sữa) chỉ còn khoảng 12mm là tốt, P2 từ 20mm giảm 7,4 mm. Nếu P2 nhỏ hơn 12mm sẽ không tốt cho lứa đẻ sau.
2. Cho heo nái ăn hạn chế trong thời kỳ mang thai:
Thời kỳ mang thai heo nái có thể ăn gấp 3 lần năng lượng duy trì, điều này sẽ làm giảm tính ngon miệng của heo nái ở thời kỳ nuôi con. Các nghiên cứu cho thấy nếu giai đoạn này heo ăn lượng thức ăn có năng lượng cao hơn 25MJ thì tính thèm ăn giai đoạn nuôi con bắt đầu giảm. Sở dĩ như vậy là do khi heo mập thì hàm lượng Insulin tăng cao trong huyết tương, chúng tác động lên hệ thần kinh trung ương, trung tâm Hypothanamus làm giảm tính thèm ăn. Khi heo mập thì ở gan xuất hiện nhiều glycerol và axít béo no làm tăng quá trình oxyhóa glycerol và axít béo, chúng tác động qua thần kinh trung ương làm tính thèm ăn giảm. Mặt khác, nếu heo ăn nhiều sẽ làm giảm số heo con/lứa. Do vậy ở thời kỳ này cần:
– Nuôi heo đạt theo trọng lượng theo yêu cầu
– Đạt tích luỹ mỡ theo yêu cầu chuẩn
– Không nên cho ăn một lượng thức ăn như nhau trong suốt giai đoạn. Giai đoạn thai phát triển nhanh nên tăng thêm lượng thức ăn.
3. Heo nái nuôi con:
Giai đoạn này có đặc điểm là dinh dưỡng heo nái không thể đủ nuôi con và tính ngon miệng của heo nái giảm nhiều so với thời kỳ mang thai. Do vậy cần cho heo nái ăn tự do và chất lượng thức ăn tốt nhằm có lượng sữa sản xuất cao và đảm bảo giảm trọng theo tiêu chuẩn.
Yêu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này là 13,5 MJ và khoảng 3200 Calori. Sau 28 ngày nuôi con, trọng lượng heo nái giảm 9-10 kg là tốt, đảm bảo năng suất sinh sản của của heo nái qua các lứa.
Môi trường có ảnh hưởng nhiều đến tính thèm ăn, các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ thích hợp là 16 độ C. Nếu tăng 1 độ C thì thức ăn ăn được giảm 140 – 120 gr/ngày. Vì vậy cần giảm nhiệt độ chuồng nuôi heo nái nuôi con bằng quạt gió, trồng cây xanh hay phun mưa trên mái chuồng.
Nếu nuôi heo trong giai đoạn này ốm thì sức sản xuất sữa sẽ giảm, heo con chậm phát triển; số trứng rụng giảm ở các lứa kế tiếp, tỷ lệ phôi sống giảm và thời gian lên giống kéo dài.
* Hiện nay người ta ứng dụng trong thực tế:
– Trước khi phối giống (2-3 tuần ) thì tăng cao lượng thức ăn (42,8 MJ/ngày) nhằm tăng tỷ lệ rụng trứng và số trứng rụng.
– Một tháng đầu sau phối giống thì giảm lượng thức ăn nhằm nâng cao thành tích sinh sản của heo nái.
II. Chăm sóc:
Thành tích sinh sản của heo nái phụ thuộc nhiều vào hội chứng MMA (viêm tử cung, viêm vú và kém sữa). Vì vậy các biện pháp khắc phục hội chứng này sẽ nâng cao thành tích sinh sản của heo nái.
1. Loại thải: Heo viêm tử cung sau khi điều trị, đặc biệt viêm có mủ. Sở dĩ như vậy là do những heo đã bị viêm tử cung sau điều trị sẽ có sữa rất ít và khả năng bám dính và đậu thai thấp, xuất hiện hiện tượng khô thai… Để phòng ngừa viêm tử cung thì có nhiều biện pháp như thụt rửa tử cung sau đẻ bằng Iode hay kháng sinh, đặt kháng sinh… biện pháp tốt là đặt kháng sinh Tetracyline ngày 1 lần và đặt 3 ngày liên tục.
2. Viêm vú: Gây cho heo nái mất sữa, gây tiêu chảy cho heo con. Biện pháp điều trị tốt nhất là chích kháng sinh như Cefalexine, dung dịch chích Norfloxacine.
3. Nuôi heo nái quá mập: Sự mập ốm của heo phụ thuộc vào điểm P2. Heo nuôi tốt có P2 từ 19-22mm, nếu heo có P2 lớn hơn 23mm là heo mập. Khi heo mập thì ngoài các tác hại đã nêu ở phần trên thì còn có tác hại là gây ra sự đẻ khó, tỷ lệ sót nhau cao do khả năng co thắt tử cung và cơ bụng yếu, mỡ bao quanh buồng trứng, tử cung do vậy đẻ con khó. Các nghiên cứu cho thấy lượng thức ăn cho heo trong thời kỳ mang thai có thể tham khảo như sau:
– Thai kỳ 1 (sau phối – 84 ngày): 1,8-2 kg/ngày/con (năng lượng trong khẩu phần là 3.200 kcal/kg thức ăn)
– Thai kỳ 2 (85-107 hay 110 ngày): 2,7kg/ngày/con .
– Thai kỳ 3 (108 hoặc 111 ngày đến lúc sanh): 1,5 kg/ngày/con. Khẩu phần nên có nhiều chất xơ để tạo độ no
4. Táo bón: Hiện tượng táo bón thường xảy ra đặc biệt ở cuối thai kỳ do thiếu chất xơ trong khẩu phần. Khi táo bón thì hiện tượng MMA sẽ tăng cao. Hàm lượng xơ trong khẩu phần thức ăn heo nái yêu cầu 8-9%. Để đảm bảo tỷ lệ xơ này, các nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu nhiều loại nguyên liệu như trấu, rơm xay nhuyễn, vỏ đậu phộng, cùi bắp, bã mía, bã mì… Loại nguyên liệu dễ tìm, dễ sử dụng, rẻ và không có độc tố aflatoxin là vỏ trấu nghiền.
5. Vitamin: Khi thiếu vitamin trong khẩu phần thức ăn nuôi heo nái sẽ làm cho hội chứng MMA cao, đặc biệt là thiếu vitamin A và E. Vitamin A có tác dụng kích thích quá trình phát triển của hệ thống niêm mạc và giữ chúng chắc chắn, dẻo dai. Khi heo nái đẻ rất dễ bị tổn thương, sây sát niêm mạc, do vậy cung cấp vitamin A giai đoạn này sẽ giúp niêm mạc dẻo dai chống và hồi phục nhanh các tổn thương. Nghiên cứu cho thấy mức 25.000 UI vitamin A/1 kg thức ăn suốt giai đoạn từ heo nái đến nuôi con là tốt nhất. Vitamin E có ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh sản, liều vitamin E là 80 UI/1 kg thưc ăn trên nền vitamin A (25.000 UI) là tốt nhất.
6. Chuồng trại, cấp nước và thông thoáng:
– Lượng mỡ trong cơ thể heo cao, do vậy khả năng chụi nóng của heo kém. Các biện pháp chống nóng cho heo cần được áp dụng để giảm hội chứng MMA
– Không cung cấp đủ nước uống cho heo sẽ gây ra hiện tượng táo bón ở heo và góp phần làm tăng hội chứng MMA. Vì vậy cần cung cấp đủ nước uống cho heo và đảm bảo nhiệt độ nước uống thích hợp.
– Thường xuyên sát trùng chuồng trại để giảm thiểu lượng visinh vật trong chuồng nuôi lợn.
III. Việc sử dụng enzim và hoóc môn:
Việc sử dụng enzim trong chăn nuôi giúp tăng khả năng tăng trọng , giảm tiêu tốn thức ăn và chống ô nhiễm môi trường. Dùng enzim khi heo con cai sữa là cần thiết vì heo con bị xa mẹ , có sự giảm mạnh sự tiết enzim; heo con thiếu nguồn thức ăn là sữa mẹ và chưa đủ enzim tiêu hóa thức ăn mới; sự trương nở thức ăn mới chèn ép làm giảm sự tiết enzim và enzim tiêu hóa mới chưa thích hợp với thức ăn mới. Ngoài ra, trong trường hợp stress và bệnh tật cũng cần sử dụng enzim. Nhưng trong thực tế chăn nuôi cho thấy chỉ nên sử dụng enzim khi cần thiết, nếu dùng thường xuyên sẽ tạo sức ì cho cơ thể và sự lệ thuộc vào enzim bổ sung.
Theo channuoi.com.vn