Quy trình kỹ thuật chăn nuôi Bò Thịt

Hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi bò hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

1. Mục đích yêu cầu
 
– Phổ biến cho nông dân những kỹ thuật cơ bản về giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, để đạt hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi bò thịt.
 
– Yêu cầu: Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm theo quy trình.
 
2. Đặc tính sinh vật học – tiêu hoá
 
– Bò là đại gia súc nhai lại.
 
– Thức ăn của bò chủ yếu là thức ăn thô xanh. Nếu ăn nhiều thức ăn tinh sẽ bị bệnh.
 
– Về sinh sản:
 
+ Đối với bò đực: Tuổi bắt đầu phối giống từ 24-26 tháng tuổi. Tuổi phối giống tốt nhất từ 2-6 năm.
 
+ Đối với bò cái: Tuổi bắt đầu phối giống từ 18-24 tháng tuổi. Có thể phối giống bằng thụ tinh nhân tạo hay cho con đực nhảy trực tiếp. Định mức một đực giống / 30-40 bò cái. Chu kỳ động dục là 21 ngày. Thời gian mang thai trung bình là 281 – 285 ngày (9 tháng 10 ngày). Thời gian động dục lại sau khi sinh là 60 – 70 ngày.
 
– Chọn giống chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: Về ngoại hình chọn con có thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển, tổng thể nhìn vào bò có hình chữ nhật.
 
– Các giống chăn nuôi con lai: Nhóm Zebu x Bò vàng, F1HF, F2HF không sản xuất sữa, Shahiwal, Brahman trắng hoặc đỏ, Brouhuogber.
 
3 – Nuôi dưỡng chăm sóc vỗ béo theo giai đoạn
 
a) Nuôi bê từ 1 – 5 tháng tuổi.
 
– Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi, nuôi bê tại nhà cạnh mẹ, luôn giữ ấm tránh gió lùa, cho bê nằm chỗ khô sạch.
 
– Từ tháng thứ 2, tập cho bê ăn cỏ xanh phơi khô được nắng. Cỏ tươi rửa sạch để ráo, cho bê ăn thức ăn xanh và thức ăn tinh như khẩu phần đã định ở phần trên.
 
– Từ tháng thứ 4 trở đi tập cho bê ăn thêm thức ăn củ quả như : khoai lang, bí đỏ,..
 
– Trời nắng ấm tập cho bê vận động tự do dưới ánh nắng để bê có đủ Vitamin D3, tạo cho bộ xương cứng cáp.
 
– Thức ăn:
 
+ Thức ăn thô: 5 – 7kg cỏ/con/ngày.
 
+ Thức ăn tinh: 0,6 – 0,8 kg/con/ngày với 100 gam Protein tiêu hoá và 2.800Kcal/kg.
 
b) Nuôi bê từ 6 – 20 tháng tuổi (nuôi bê hậu bị vỗ béo)
 
6 tháng tuổi cai sữa cho bê.
 
– Phương thức nuôi nhốt: Cho bê ra sân vận động 2 – 4 giờ/ngày.
 
Cung cấp đầy đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh hỗn hợp. Thường xuyên cung cấp đủ nước uống cho bê trong giai đoạn này.
 
– Phương thức chăn thả : Hiện còn khá nhiều địa phương trong tỉnh còn áp dụng phương thức này. Nhưng muốn nuôi bò thịt có hiệu quả kinh tế cao cần đầu tư thâm canh theo quy trình và chăn nuôi bò lai.
 
– Thức ăn:
 
+ Thức ăn thô xanh: 6 tháng tuổi: 10 kg /con/ngày; 7-12 tháng tuổi: 15kg/con/ngày; 13-20 tháng tuổi 30 kg/con/ngày.
 
+ Thức ăn tinh: 6 tháng tuổi 0,8 – 1 kg/con/ngày với 100 gam Protein tiêu hoá và 2.800Kcal/kg.
 
c) Nuôi vỗ béo bò từ 21 – 24 tháng tuổi
 
– Nuôi nhốt giảm vận động, tăng cường cho bò ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, cao năng lượng, cho bò tắm nắng 2 giờ/ngày, giảm nhiệt độ và cường độ ánh sáng chuồng nuôi.
 
– Những con có trọng lượng lớn, bị bệnh chân móng, cần sửa móng cho bò bằng các dụng cụ sắc như dao, đục và dụng cụ chuyên dùng khác.
 
– Thường xuyên tắm chải cho bò để kích thích bò ăn uống khoẻ. Mùa hè tắm 2 lần/ngày. Mùa đông chải khô 1 tuần 2 lần cho bò bằng bàn chải.
 
– Xuất bò: Khi bò đã béo đúng tiêu chuẩn, quan sát vùng võng (vùng lưng) đã béo bằng, nông dân ta thường gọi là "bò béo bằng lưng", thì xuất bán.
 
– Thức ăn:
 
+ Thức ăn thô xanh: 30 kg/con/ngày (cỏ tươi hay khô, rơm được xử lý mềm hoá và tăng độ đạm).
 
+ Thức ăn tinh: 1,5 – 2,5 kg/con/ngày với Protein tiêu hoá 100 gam và 2.800 Kcal/kg thức ăn.
 
+ Nước uống: 50-60 lít/con/ngày. Có thể sử dụng muối ăn pha với nồng độ 9%.
 
4- Phòng và trị bệnh
 
– Tiêm phòng định kỳ hàng năm vào 2 đợt : 15/03 và 15/08, Vacxin tụ huyết trùng cho bò chăn nuôi trong vùng an toàn dịch của dự án.
 
– Vệ sinh phòng bệnh: Chuồng trại, máng ăn, máng uống môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn sạch sẽ, cánh ly nguồn bệnh, mầm bệnh.
 
– Tẩy giun đũa cho bê định kỳ vào tháng thứ nhất, tháng thứ 3 và tháng thứ 9 bằng Piperazin 2 – 3g/10 kg trọng lượng. Cho uống hoặc tiêm 5 mg Levamisol/10 kg trọng lượng. Nếu bò ỉa chảy liên tục có mùi tanh khẳm, xù lông sáng sớm và chiều tối cần tẩy sán lá gan bằng cách tiêm bắp : Dovernix 1ml/15 kg trọng lượng, hoặc cho uống Dertil B1 liều lượng viên/ 50 kg trọng lượng.
 
– Định mức thuốc thú y: 10.000 đồng/con/năm.
 
5- Mức đầu tư – Mức công nhân.
 
– Một lao động nuôi được 20 con bò thịt trong nông hộ, lao động này phải làm các nội dung:
 
+ Trồng cỏ kết hợp chăm bón và cắt cỏ chuyển về chuồng.
 
+ Chăm sóc, nuôi dưỡng theo dõi bệnh tật.
 
+ Chế biến, dữ trữ và bảo quản thức ăn.
 
+ Cấp thức ăn tinh, nước uống theo định mức.
 
+ Công tác thú y thông thường: Tiêm phòng, vệ sinh môi trường định kỳ.
 
– Chăn nuôi trang trại: 3 nhân công và 1 người hợp đồng trang trại có thể nuôi 100 bò thịt 1 lứa.
 
– Định mức trồng cỏ: 2 sào/1 con bò thịt (500m2/sào), được đầu tư:
 
+ Phân chuồng: 400 – 500 kg/sào
 
+ Đạm, kali (5 kg urê và 1,5 kg kali/500m2/ 1 lần bón thúc và bón 11 lần/năm).
 
+ Giống cỏ : 3.000 kg/ha. Sử dụng giống cỏ voi lai, cỏ tây Nghệ An, ngô dày.
 
* Định mức xây dựng chuồng trại:
 
– Chuồng xây dựng theo kiểu thiết kế chuồng 1 dãy hoặc 2 dãy.
 
– Chuồng lợp lá hay ngói đỏ, tường kín phía Bắc, thoáng phía Nam, nền chuồng khô nước, lót nền mềm. Định mức 2,5 –3 m2 / con.
 
Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *