Nội dung đánh giá và chọn lọc bò cái về nguyên tắc cũng bao gồm nguồn gốc, cá thể (ngoại hình thể chất và sức sản xuất) và đời sau.
a. Đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc:
Trong trường hợp cần chọn lọc bò cái để thu được bò đực giống tốt (chọn mẹ đực giống) để cung cấp cho các trạm sản xuất tinh người ta phải chọn lọc cẩn thận về nguồn gốc của bò mẹ. Đó phải là con của những con mẹ có sức sản xuất cao và con bố có chất lượng giống tốt. Giá trị của bò cái được nâng lên nếu bố của chúng được kiểm tra qua đời sau và xuất phát từ một dòng nhất định. Đồng thời phải xét cả các phương pháp công tác giống đã được áp dụng với tổ tiên. Bên cạnh tổ tiên còn phải xét đến đặc điểm của những cá thể thân cận (chị em ruột thịt và nửa ruột thịt).
b. Đánh giá và chọn lọc theo bản thân:
Bò cái giống phải có ngoại hình, sinh trưởng và sức sản xuất tốt.
– Ngoại hình và sinh trưởng:
Đánh giá và chọn lọc bò cái theo sức khoẻ, tốc độ sinh trưởng và ngoại hình có ý nghĩa lớn bởi vì chỉ có những con khoẻ mạnh thì mới có khả năng cho sức sản xuất cao. Chúng phải có sức sinh trưởng tốt, mang được các đặc trưng của giống, ngoại hình thể chất tốt, có thể trọng thích hợp.
+ Bò cái hướng sữa phải có hệ xương chắc chắn, ngực sâu, rộng, lưng bằng phẳng, phần giữa của thân mình phát triển tốt, mông tương đối dài và phẳng. Chân phải chắc chắn, cân đối. Lông đều, sừng chắc và trơn. Bò cái thân rộng tốt hơn hẹp thân cao chân. Bò phải có độ lớn thích hợp vì trong phạm vi nhất định thì khi tăng thể trọng sức sản xuất sẽ tăng lên, nhưng quá phạm vi đó thì sức sản xuất sẽ giảm xuống. Thể trọng hợp lý nhất là khi hệ số sinh sữa (kg sữa/100kg thể trọng) đạt được mức cao nhất. Bầu vú phải cân đối, kích thước lớn. Có nhiều tính mạch vú, ngoằn ngoèo và nổi rõ. Núm vú phân bố đồng đều, có độ lớn và độ dài vừa phải.
+ Bò cái hướng thịt làm giống (sinh sản) phải có các đặc trưng của giống và sự cân đối của thể hình. Bò phải có thân hình vạm vỡ chắc chắn, thân rộng và sâu, hệ xương chắc chắn, hệ cơ phát triển tốt, vai rộng, có nhiều thịt, ngực sâu và rộng, xương chân phát triển tốt; chân phải cân đối, móng chắc, da đàn hồi, lông mềm. So với bò sữa phần trước và phần khá lớn ở phía sau của bò thịt phải rất phát triển
– Sức sản xuất:
+ Đối với bò sữa có thể đánh giá và chọn lọc trên nhiều chỉ tiêu:
■ Sản lượng sữa của kỳ cho sữa cao nhất,
■ Sản lượng sữa bình quân/chu kỳ,
■ Sản lượng sữa suốt đời,
■ Chất lượng sữa (hàm lượng mỡ, protein và VCK)
■ Tốc độ thải sữa: khối lượng sữa vắt được/phút
Yêu cầu chung là bò cái phải có sức sản xuất sữa cao, chất lượng sữa tốt, tốc độ thải sữa nhanh.
+ Đối với bò thịt có thể căn cứ vào tốc độ sinh trưởng của bò cái để đánh giá khả năng sản xuất thịt. Ngoài ra người ta còn đánh giá về sức sản xuất sữa căn cứ theo thể trọng của bê bú sữa trực tiếp lúc vắt sữa.
c. Đánh giá và chọn lọc theo đời sau:
Về nguyên tắc có thể đánh giá bò cái theo đời sau, nhưng trong thực tế rất ít khi được thực hiện. Đó là vì trong một đời bò cái số lượng con thu được và sử dụng không lớn. Vả lại khi biết được sức sản xuất của con thì bò mẹ thường là không còn sống nữa.