Những điều cần biết về thức ăn nuôi heo – Phần 2

Với giống heo cao sản ngoại nhập, nhu cầu dinh dưỡng lại rất cao, vì vậy nếu cho chúng ăn kham khổ, thiếu chất bổ dưỡng heo sẽ sinh trưởng kém, sức đề kháng giảm, kéo dài thời gian nuôi sinh ra tốn kém thức ăn nuôi heo nhiều …

 
9. Tác dụng của khoáng chất trong thực phẩm nuôi heo là gì?
 
Khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng trong dinh dưỡng của heo như kiến tạo và bảo vệ các tế bào như giúp cơ thể heo đồng hoá chất bột đường, chất đạm và chất béo. Vì vậy, nếu thiếu khoáng thì càc cơ quan đều bị suy nhược, năng suất thịt sữa cũng bị giảm và mất dần năng lực đề kháng. Nếu thiếu khoáng thì dù có cho heo ăn đầy đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo đi nữa thì cũng … vô ích vì những chất này không được đồng hoá. Do đó, nếu để tình trạng thiếu khoáng kéo dài thì heo sẽ suy nhược dần và bệnh tật sẽ có cơ hội tốt xâm nhập vào cơ thể.
 
10. Thức ăn nuôi heo cần trộn những loại khoáng chất gì?
 
Hai chất khoáng cần thiết để kiến tạo bộ khung xương của heo là Canxi (Ca) và Phosphore (P). Ngoài ra, còn có nhiều chất khác như muốn ăn, lưu huỳnh, kali và nhiều khoáng chất vi lượng khác như đồng, sắt …
*Chất vôi (Ca): Chất vôi là một khoáng chất quan trọng góp phần cấu tạo xương, răng, và các loại khoáng trong tế bào. Mỗi ngày một con heo lứa cần được cung cấp 2g chất vôi, và heo trưởng thành cần 5gr. Nên cho heo ăn vôi chết và bột sò.
*Chất Phosphore (P): Chất Phosphore còn gọi là chất lân, nếu thiếu heo con sẽ chậm lớn, heo nái không đậu thai. Chất lân có trong bột xương. Mỗi ngày heo con cần ăn 1g, và heo trưởng thành 4gr bột xương là đủ.
*Chất muối (Na): Tác dụng của muối là giữ độ nước trong tế bào lúc nào cũng được thăng bằng, giúp heo biết ăn ngon miệng, thích uống nhiều nước và tiêu hoá thức ăn tốt. Nhu cầu muối trong thức ăn hàng ngày của heo không nhiều, chỉ từ 1 đến 2 phần trăm mà thôi. Nếu cho heo ăn quá mặn heo sẽ bị tiêu chảy, có khi còn ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.
*Các chất khoáng vi lượng: Các chất khoáng vi lượng mà heo cần đến như đồng (Cu), sắt (Fe), lưu huỳnh, … với số lượng rất ít. Những chất này thường có sẵn trong đất, trong rau tươi, trong mật mía … Hàng ngày nên thả heo ra sân nắng để chúng tự do ủi đất và ăn rau cỏ tươi …
 
Thức ăn nuôi heo
 
11. Những vitamine cần thiết mà heo cần là gì?
 
Heo không có khả năng tự tạo được vitamine để sống nên ta phải cung cấp đủ lượng vitamine qua thức ăn nuôi heo. Các loại vitamine cần thiết cho sự sinh trưởng và sinh sản của heo gồm có:
• *Vitamine A: Vitamine A rất cần thiết cho sự sinh trưởng của heo. Nếu thiếu vitamine A heo sẽ chậm lớn, bị mù mắt, bị viêm ruột, tiêu chảy, heo lớn không sinh sản hoặc đẻ non; đi đứng không vững, chân co giật. Vitamine A có nhiều trong rau cỏ, trong các loại củ quả, giàu chất carotene như bí rợ, cà rốt, bắp vàng, và nhiều nhất là trong dầu gan cá.
• *Vitamine B: Heo cần bồi bổ các loại vitamine B1, B2 và B12. Vitamine B1 có nhiều trong cám nhuyễn, bột bắp, mày đậu xanh, bánh dầu phộng, bột cá … Tác dụng của vitamine B1 là đồng hoá chất bột đường và tiêu diệt các axit hữu cơ, giúp heo thèm ăn và năng động. Nếu thiếu vitamine B1 heo bị bệnh phù thũng. hô hấp kém, chân sau bị co giật.
• Tác dụng của vitamine B2 là đồng hoá chất đạm Vitamine B2 có nhiều trong men rượu bia, lòng đỏ trứng và các loại rau cỏ tươi non. Thiếu vitamine B2 da heo sẽ khô, xù lông hay rụng lông, sức đề kháng giảm sút, gan thận biến màu, chân sau co giật. Heo nái thiếu vitamine sẽ đẻ non, xảo thai.
• Vitamine B12 giúp cơ thể heo cấu tạo hồng huyết cầu, chống bệnh thiếu máu ác tính, chống suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hoá. Vitamine B12 có nhiều trong bột thịt, bột cá, bột sữa, trứng …
• *Vitamine C: Tác dụng của vitamine C giúp heo biến chất đạm thành sữa, tham gia vào việc hình thành răng, xương và tăng sức đề kháng. Vitamine C có nhiều trong rau cỏ tươi, vì vậy ta cần cung cấp đầy đủ rau tươi như rau muống, rau lang cho heo ăn hàng ngày.
• *Vitamine D: Vitamine D có tác dụng giúp đồng hoá chất vôi và lân. Thiếu Vitamine D bộ khung xương của heo không những yếu mà còn bị mềm, dễ gãy, các khớp xương ở chân bị phù to khiến heo đi đứng khó khăn thậm chí phải bò lết bằng đầu gối. Nếu cho heo vận động ngoài nắng sáng mỗi ngày ba giờ, tia cực tím của nắng sáng sẽ biến cholesterol trong mỡ thành vitamine D đủ để cho heo có khung xương cứng cáp.
• *Vitamine E: Vitamine E ảnh hưởng đến sự sinh sản của cả heo nọc và heo nái. Heo nọc thiếu vitamine E tinh trùng vừa yếu vừa ít nên heo nái không thụ thai được. Còn heo nái thiếu vitamine E bào thai sẽ chết khô trong bụng, nếu có đẻ được thì heo mẹ cũng không đủ sức để nuôi con. Muốn cung cấp vitamine E cho heo, hàng ngày ta cho heo ăn cám, bột bắp. khô bánh dầu, giá sống, mộng lúa.
 
12. Thức ăn hỗn hợp được chế biến sẵn dành nuôi heo có tốt không?
 
Loại thức ăn hỗn hợp, còn gọi là thức ăn công nghiệp dành nuôi heo có bán nhiều trên thị trường do nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có thể nói là … tin cậy được. Mỗi cơ sở đều có công thức chế biến riêng, nhưng tựu trung cũng nhằm vào việc cân đối đúng mức các thành phần dinh dưỡng để giúp heo mau tăng trọng. Cho heo ăn thức ăn này có nhiều tiện lợi, nhưng có thể tốn phí nhiều nên mức lời không đạt được đúng như ý muốn.
 
13. Cách cho heo ăn như thế nào là tốt nhất?
 
Nuôi heo nên cho heo ăn theo bữa và cho ăn đúng giờ. Ví dụ ngày cho ăn 3 bữa thì khoảng cách giữa các bữa ăn phải tương đối đồng đều nhau. Ví dụ bữa sáng cho ăn vào lúc 7 giờ, thì bữa trưa là 12 giờ, và bữa tối khoảng 17 hoặc 18 giờ. Với heo nái đang nuôi con và heo thịt sắp xuất chuồng nếu cần, cho chúng ăn và bổ sung thêm bữa tối, cách bữa chiều khoảng 3 hay 4 giờ. Thức ăn của heo nên trộn sền sệt và không nên thay đổi thức ăn đột ngột. Nếu cần thay đổi thức ăn thì nên thay đổi từ từ, như vậy heo mới quen dần với mùi vị thức ăn mới.
 
14. Nên cho heo ăn mỗi ngày bao nhiêu rau tươi?
 
Rau tươi nói chung là thức ăn cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày của heo mỗi lứa tuổi. Trong các loại rau cỏ, củ quả tươi có hàm lượng nước trên 90% giúp heo không bị chứng táo bón. Rau cỏ tươi có thể cho ăn sau mỗi bữa ăn, hoặc trộn vào thức ăn cho chúng ăn. Lượng thức ăn tươi này có thể chiếm đến 1/3 hay 1/2 khẩu phần ăn hàng ngày của heo.
 
15. Có nên tận dụng thức ăn có sẵn tại địa phương mình?
 
Mỗi địa phương thường có sẵn nguồn thức ăn dùng để nuôi heo, mà địa phương khác lại không có những thức ăn này. Ví dụ có vùng quanh năm trồng lúa nhưng không trồng nhiều bắp hoặc khoai sắn. Lại có vùng tứ mùa chỉ tỉa đậu, trồng rau … Tất nhiên những thức ăn sẵn có tại địa phương lúc nào cũng sẵn có lại giá rẻ, vì vậy ta nên tận dụng nguồn thức ăn đó để nuôi heo và chỉ phải mua những thức ăn cần thiết khác để bổ sung thêm, tính toán sao cho khẩu phần ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng là được.
 
16. Số lượng nước heo uống một ngày là bao nhiêu? Cho uống vào lúc nào?
 
Heo uống rất nhiều nước, nhất là trong mùa nắng hạn. Con heo vừa lẻ bầy uống từ 1 đến 2 lít nước mỗi ngày. Loại heo lứa bốn năm mươi ký uống khoảng 5 lít nước mỗi ngày. Còn heo từ 100kg trở lên có thể uống từ 7 đến 10 lít nước mỗi ngày mới đã khát. Tốt nhất là có sẵn nước trong chuồng để heo uống nước tự do cả ngày lẫn đêm. Trong trường hợp có vòi nước tự động thì quá tiện. Nếu không, ta nên thường xuyên đổ đầy máng nước cho chúng khát lúc nào thì uống lúc đấy. Số lượng nước mà heo uống nhiều nhất là sau mỗi bữa ăn. Nước cho heo uống phải là nước ngọt và sạch, như nước mưa, nước máy, nước giếng. Heo nái đang nuôi con cần uống nhiều nước hơn các loại nước khác.
 
Việt Chương
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *