Một số giống lợn nội phổ biến ở nước ta

Sử dụng các giống heo thuần chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất và môi trường nhiệt đới nước ta là điều kiện tiên quyết để tối ưu lợi nhuận trong chăn nuôi heo công nghiệp và nông hộ.

 
1. Lợn Móng Cái
 
Lợn móng cái
 
Nguồn gốc: Hà Cối (huyện Đầm Hà), Tiên Yên (Đông Triều) tỉnh Quảng Ninh.
Phân bố ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan ra miền Trung và phía Nam.

Hình thái: Màu sắc lông da trắng, lưng và mông có khoang đen yên ngựa, da mỏng mịn, lông thưa và thô. Đầu to, miệng nhỏ dài, tai nhỏ và nhọn, có nếp nhăn to và ngắn ở miệng. Cổ to và ngắn, ngực nở và sâu, lưng dài và hơi võng, bụng hơi xệ, mông rộng và xuôi. Bốn chân tương đối cao thẳng, móng xoè.

Khối lượng lợn sơ sinh: 450-500 gr/con, lợn trưởng thành: 140-170 kg/con. Có con tới 200 kg nhưng thời gian nuôi rất lâu. Tỷ lệ mỡ/thịt xẻ 35-38%.

Sinh sản: Lợn đực 3 tháng tuổi biết nhảy cái và trong tinh dịch đã có tinh trùng, lượng tinh dịch 80- 100 ml. Lợn cái 3 tháng tuổi đã bắt đầu động hớn nhưng chưa có khả năng thụ thai. Thường thì lợn cái đến khoảng 7- 8 tháng tuổi trở đi mới có đủ điều kiện tốt nhất cho phối giống và có chửa, thời điểm đó lợn đã đạt khối lượng khoảng 40 – 50 kg hoặc lớn hơn.

 

2. Lợn Ba Xuyên
 
Lợn ba xuyên
 
Tên khác: Heo Bông
Nguồn gốc: Lợn Ba Xuyên có nguồn gốc từ huyện Vị Xuyên – tỉnh Sóc Trăng; là con lai giữa lợn Bershire với lợn địa phương từ năm 1930.

Phân bố rải rác ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Long An và Đồng Tháp.

Hình thái: Lông và da đều có màu bông đen trắng xen kẽ lẫn nhau. Đầu to vừa phải, mặt ngắn, mõm hơi cong, trán có nếp nhăn, tai to vừa và đứng. Bụng to nhưng gọn, mông rộng. Chân ngắn, móng xòe, chân chữ bát và đi móng, đuôi nhỏ và ngắn.
Khối lượng lợn sơ sinh: 350 – 450 gr/con. Trưởng thành nặng 140 – 170 kg/con, có con nặng đến 200 kg.
Bắt đầu phối giống lúc 6 – 7 tháng tuổi; một năm đẻ 2 lứa, 8 – 9 con/lứa.

Chất lượng thịt: Lợn Ba Xuyên có khả năng cho thịt khá, tuy nhiên chất lượng thịt còn chưa cao do mỡ lưng khá dày và diện tích cơ thăn chưa cao. Độ dày mỡ lưng 4,35 cm. Tỷ lệ thịt móc hàm 73.31%.

 

3. Lợn Thuộc Nhiêu
 
Nguồn gốc: Lợn Thuộc Nhiêu là con lai giữa lợn Yorkshire và lợn Bồ Xụ ở vùng Thuộc Nhiêu (huyện Châu Thành – Cai Lậy nay là tỉnh Kiên Giang) từ năm 1930.

Phân bố chủ yểu ở vùng đồng bằng sông cửu Long và Đông Nam Bộ.

Hình thái: Lông và da trắng, có bớt đen nhỏ trên da. Tai to, đứng. Thân hình to tròn, đuôi bé. Chân nhỏ, thon.
Khối lượng sơ sinh 600 – 700 gr/com. Lợn trưởng thành 140 – 160 kg/con.

Bắt đầu phối giống lúc 7 – 8 tháng tuổi. Một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 8 – 10 con.

 

4. Lợn Mường Khương
 
Lợn Mường Khương
 
Nguồn gốc: Lợn Mường Khương có nguồn gốc ở Huyện Mường Khương – tỉnh lào Cai.

Phân bố ở các xã Cao Sơn, Tả Thàng, La Pau Tẩn – huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Hình thái: Màu sắc lông da đen tuyền hoặc đen có đốm trắng ở đầu, đuôi và chân. Lông thưa và mềm. Mõm dài thẳng hoặc hơi cong. Trán nhăn, tai hơi to cúp rũ về phía trước. Lợn có tầm vóc to nhưng lép người, bốn chân to cao vững chắc. Lưng hơi cong, bụng to nhưng không sệ tới sát đất, mông hơi dốc.
Khối lượng lợn sơ sinh: 600gr/con, trường thành 90 kg/con có con nặng đến 120kg.
Bắt đầu phối giống lúc 10–11 tháng tuổi. Mỗi năm đẻ 1- 2 lứa, mỗi lứa 5-6 con.

Chất lượng thịt: Thịt ngon, ngọt, đáng chú ý là giống lợn này có khả năng đề kháng lại một số loại bệnh mới như lở mồm long móng, tai xanh khá hiệu quả.

 

5. Lợn Ỉ
 
Lợn Ỉ
 
Nguồn gốc: Lợn ỉ là một giống lợn địa phương ở miền Bắc Việt Nam, ngày nay ít được nuôi do hiệu quả kinh tế không cao, và hiện có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn gốc xuất phát từ tỉnh Nam Định
Phân bố: Lợn Ỉ mỡ trước đây có nhiều ở các tỉnh miền Bắc, sau đó chúng chỉ tồn tại đến năm 1990. Lợn Ỉ pha có ở Thanh Hóa, Hà Nội.
Lợn ỉ là giống lợn có hiệu quả kinh tế thấp do tăng trọng chậm, tỉ lệ mỡ cao, sinh sản kém. Tuy vậy, lợn ỉ là giống lợn có thịt thơm ngon. Mỡ lợn ỉ có cấu trúc chủ yếu là axit béo không no, ăn không ngán và không làm tăng hàm lượng colesterol trong máu. Ngoài ra, lợn ỉ là còn là giống lợn ưa sạch sẽ. Tinh khôn và có khứu giác nhạy bén.
Phân loại: Có hai loại hình là ỉ mỡ và ỉ pha. Nòi ỉ mỡ bao gồm những con lợn ỉ mà dân gian gọi là ỉ mỡ, ỉ nhăn, ỉ bọ hung. Nòi ỉ pha bao gồm những con mà dân gian gọi là ỉ pha, ỉ bột pha, ỉ sống bương.
Sinh sản: Có thể phối giống lúc 4 -5 tháng tuổi. Mỗi năm đẻ 2 lứa, 8 – 11 con/ lứa, có khi 16 con/ lứa.
Nuôi làm thú cưng trong nhà ở Tây phương: Lợn nói chung có trí khôn đáng kể, lại dễ dạy vì muốn được thưởng thức ăn nên nuôi lợn có thể tập cho chúng làm trò. So với lợn Âu Mỹ thì lợn ỉ tạng mình nhỏ chỉ khoảng con chó nên ở Tây phương có phong trào nuôi làm thú cưng bắt đầu từ thập niên 1980. Có người dắt lợn đi dạo như dắt chó. Lợn có thể cho tập dùng hộp đựng giấy vụn để phóng uế hoặc báo hiệu cho chủ để được cho ra ngoài sân.
 
 
6. Lợn Mẹo
 
 Lợn Mẹo
 
Tên khác: Lợn Mèo
Nguồn gốc: Lợn Mèo là giống lợn của người H’Mông
Phân bố chủ yếu ở Vùng cao của Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái

Hình thái: Lông da màu đen. Lông dài và cứng. Thường có 6 điểm trắng ở 4 chân, trán và đuôi, một số có loang trắng ở bụng. Đầu to, rộng, mặt hơi gãy, trán dô và thường có khoáy trán, mõm dài, tai nhỏ và hơi chúc về phía trước. Vai rộng, lưng rộng, phẳng hoặc hơi vồng lên. Mông cao hơn vai. Bụng to nhưng không sệ. Chân cao, thẳng, vòng ống thô, đi đứng trên hai ngón trước.

Khối lượng lợn sơ sinh: 480 – 500 gr/con, nuôi 1 năm nặng 40kg,  trưởng thành 110 – 120 kg/con
Bắt đầu phối giống lúc 10 tháng tuổi. Một năm đẻ 1 lứa, mội lứa 6 – 7 con, nuôi ở đồng bằng có thể đẻ 9 – 10 con.
Sinh sản: Bắt đầu phối giống lúc 10 tháng tuổi. Một năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa đẻ 6-7 con. Nuôi ở đồng bằng có thể đẻ lên 9-10 con.
Chất lượng thịt: Lợn Mẹo có khả năng cho thịt tương đối ca tỷ lệ móc hàm 83,53%; Tỷ lệ xẻ 72,26%.
 
 
7. Lợn Mini
 
Tên khác: Lợn cỏ Mini
Nguồn gốc: Huyện Pakô và Vân Kiều tỉnh Quảng Trị

Phân bố chủ yếu ở huyện Đắc Krông, Hướng Hóa, Do Linh, Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.

Hình thái: Màu sắc lông da đen bạc nhưng thỉnh thoảng có màu phớt vàng hung, lưng thẳng. Thân hình gọn, đầu và cổ to. Mõm nhọn, tai nhỏ. Hình dáng giống như con chuột.
Khối lượng lợn sơ sinh: 250 – 300 gr/con. Bắt đầu phối giống lúc 7 – 8 tháng tuổi. Một năm đẻ bình quân 1,5 lứa, mỗi lứa 8 con. Thịt ngon, ít mỡ.
 
 
8. Lợn Sóc
 
Tên khác: Lợn Sóc Tây Nguyên, Heo Sóc, Heo Êđê
Nguồn gốc: Là giống lợn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên : Êđê, Gia Rai, Bana
Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

Hình thái: Lợn nhỏ con, mõm dài, nhọn. Da dày, mốc, lông đen, dài, có bờm dài và dựng đứng. Chân nhỏ, đi bằng móng, rất nhanh nhẹn.

Khối lượng lợn sơ sinh: 400 – 450 gr/con. Trưởng thành 40 kg/con.
Sinh sản: Bắt đầu phối giống lúc 9–12 tháng tuổi. Một năm đẻ 1-2 lứa, mỗi lứa 6-10 con.

Chất lượng thịt: Ít tích mỡ,tỉ lệ nạc cao. Tỉ lệ xẻ đạt khoản 77%, tỉ lệ móc hàm đạt 44%

 

Nguồn: ninhthuan.gov.vn

Những điều cần biết về chăm sóc lợn nái

Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc lợn nái ở nông hộ, bà con cần lưu ý một số điểm sau đây:

 

– Lợn nái chửa nuôi theo 2 giai đoạn: giai đoạn I (84 ngày chửa đầu) khối lượng bào thai đạt khoảng 25 – 30%; giai đoạn II (khoảng 30 ngày chửa cuối) bào thai phát triển nhanh, chiếm khoảng 65-70% khối lượng lợn con sơ sinh. Vì vậy để lợn con đạt khối lượng sơ sinh cao cần tăng khoảng 25 – 30% lượng thức ăn cho lợn nái chửa kỳ II, mức tăng tuỳ thuộc vào thể trạng béo hay gầy của lợn nái.

 

– Trong thời kỳ mang thai, lợn nái cần lượng chất khoáng nhiều hơn để phát triển hệ xương của bào thai. Khi khẩu phần ăn của lợn mẹ không đủ, sẽ phải huy động nhiều chất khoáng từ cơ thể lợn mẹ (đặc biệt là canxi và phốt pho từ xương) để nuôi thai. Vì thế, lợn mẹ bị thiếu chất khoáng và dễ dẫn tới bại liệt.

 

– Bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sảy thai. Vì vậy chỉ nên cho lợn ăn dưới 15% trong khẩu phần.

 

– Đối với lợn nái chửa khi tiêm phòng vắcxin phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bào thai và chủng loại vắcxin. Vì vậy, khi tiêm phòng cho lợn nên thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắcxin và cán bộ thú y. Chú ý không nên tiêm các loại vắcxin sống (vắc xin nhược độc) cho lợn nái chửa vì dễ gây ảnh hưởng đến thai.

 

– Những biểu hiện của lợn nái sắp đẻ: lợn nái sắp đẻ thường đi lại nhiều, đái dắt, cào ổ, âm hộ nở to và tiết dịch nhờn màu hồng, vú có thể chảy sữa.

 

Chăm sóc lợn nái đẻ

 

– Cần chuẩn bị cho lợn nái đẻ: vệ sinh chuồng nuôi và lợn nái; chuẩn bị ô úm, lót chuồng và dụng cụ đỡ đẻ (vải xô mềm, cồn i-ốt, bông, kéo, panh, chỉ buộc rốn, kìm bấm nanh…)

 

– Những biểu hiện lợn đẻ khó: lợn nái co chân rặn nhiều, nước ối ra mà con không ra; quá 1 tiếng vẫn chưa đẻ con tiếp theo; lợn mẹ rặn đẻ yếu.

 

– Những biện pháp xử lý khi lợn đẻ khó:

 

+ Không vội vàng sử dụng ngay thuốc kích thích đẻ (oxi-tô-xin)

+ Kiểm tra ngôi thai: chụm thẳng 5 đầu ngón tay, nhẹ nhàng đưa vào qua âm đạo theo nhịp rặn đẻ của lợn nái. Dùng các đầu ngón tay lần tìm lợn con để xác định thai thuận ngôi hay không (chú ý phải cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng, sau đó thoa nhẹ lên tay một ít vadơlin hoặc dầu ăn).

+ Nếu là thai không thuận ngôi thì phải chỉnh theo hướng thai thuận rồi mới từ từ lôi ra theo nhịp rặn đẻ của lợn mẹ

+ Nếu là thai to thì lúc đó mới tiêm thuốc oxytocin (oxi-tô-xin) và thuốc trợ lực cho lợn nái (liều sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) kết hợp nhẹ nhàng lôi lợn con ra theo nhịp rặn đẻ của lợn mẹ.

+ Nên mời cán bộ thú y trợ giúp khi xác định là lợn nái đẻ khó.

 

– Khi lợn đẻ bọc phải xé bọc ngay, khẩn trương lấy dịch ở miệng và mũi của lợn con, dùng vải xô, vải mềm, giấy vệ sinh lau sạch lỗ mũi lợn. Lợn con bị ngạt phải thổi hơi ngay vào mồm lợn. Nếu lợn con chưa tỉnh thì ngâm lợn chìm trong nước ấm (30 – 350C) khoảng 5 – 10 phút rồi hô hấp nhân tạo.

 

Nguồn: PQQ – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *