Chất lượng thịt heo có thay đổi khi chúng ăn các loại thực phẩm khác nhau.
- Phòng bệnh cho heo sử dụng đèn LED
- Làm thế nào để nhận diện heo bệnh trong trang trại (Phần 1)
- Bệnh viêm dạ dày – ruột truyền nhiễm ở lợn
- Không nuôi heo nái mang thai quá béo
Hỏi: Thành phần của nguồn chất béo trong khẩu phần rõ ràng có ảnh hưởng đến thành phần axit béo của mỡ heo, nhưng nguồn gốc của chất béo trong khẩu phần có ảnh hưởng đến thành phần quầy thịt không?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nâng cao lượng chất béo trong khẩu phần có thể làm tăng độ dày mỡ lưng, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các nguồn chất béo khác nhau (của các loại thực vật hay động vật khác nhau) trong khẩu phần sẽ ảnh hưởng đến sản lượng mô nạc và mô mỡ của quầy thịt. Như vậy, với những kiến thức hiện tại, có thể nói rằng dầu của các loài thực vật khác nhau không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc và thành phần quầy thịt. Tương tự như thế, mỡ động vật có nguồn gốc từ nhiều loài động vật khác nhau cũng không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc và thành phần quầy thịt. Nhưng chất béo có nguồn gốc từ thực vật thì có ảnh hưởng đến cấu trúc và thành phần quầy thịt khác so với ảnh hưởng của chất béo từ động vật vì thành phần của béo động vật là khác biệt (acid béo no) so với béo thực vật (axit béo không no một hoặc nhiều nối đôi).
Hỏi: Dùng thuốc kháng sinh trong thức ăn có ảnh hưởng gì đến chất lượng thịt heo?
Cho đến nay, có rất ít thông tin về tác động trực tiếp của kháng sinh trên các thuộc tính chất lượng của quầy thịt. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng lợn khỏe mạnh có xu hướng sản xuất thịt “chất lượng” hơn lợn ốm yếu. Hơn nữa, một số các chất bổ sung trong khẩu phần, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất là cần thiết để duy trì sức khỏe của heo, đồng thời cũng đã được chứng minh là giúp nâng cao chất lượng thịt. Vì vậy, rất có thể kháng sinh sử dụng để nâng cao sức khỏe của đàn heo thì cũng gián tiếp cải thiện chất lượng thịt.
Hỏi: Có nên bổ sung chất chống oxy hóa trong khẩu phần lợn?
Nếu người chăn nuôi muốn bảo quản thức ăn lâu dài hoặc nếu khẩu phần sử dụng tỷ lệ axit béo không no một hoặc nhiều nối đôi cao thì nên sử dụng chất chống oxy hóa để làm giảm hoặc chậm quá trình ôi thiu thức ăn do oxy hóa chất béo của khẩu phần. Hơn nữa, nghiên cứu gần đây của Đại học Illinois đã chỉ ra rằng cho lợn ăn thức ăn chứa chất béo bị oxy hóa có thể giảm thời hạn sử dụng và độ ngon miệng của quầy thịt. Vì vậy, cần tính toán để bổ sung chất chống oxy hóa trong khẩu phần một cách hợp lý.
Hỏi: Làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc sử dụng DDGS tỷ lệ cao trong khẩu phần?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng DDGS với tỷ lệ cao ví dụ như 30% sẽ không chỉ tác động đến chất lượng chất béo mà còn làm giảm năng suất quầy thịt (tỉ lệ thịt móc hàm) đến 1%. Stevens và đồng nghiệp tại trường đại học Purdue lưu ý rằng thay thế DDGS với mỡ bò hoặc mỡ trắng trong thời gian 26 ngày trước khi giết mổ thất bại trong việc đảo ngược tác dụng không tốt của DDGS trên chất lượng quầy thịt. Ngược lại, kết quả của White và cộng sự cho thấy bổ sung 0.6% axit linoleic liên hợp (CLA) vào khẩu phần chứa 20-40% DDGS trong 10 ngày trước khi giết mổ, lại có thể cải thiện độ chắc của mỡ bụng mặc dù CLA không có ảnh hưởng đáng kể trên thành phần acid béo của mỡ bụng. Có khả năng là bổ sung CLA với thời lượng dài hơn có thể giảm thiểu một số các tác động tiêu cực của DDGS trên chất lượng thịt mỡ, nhưng cần nghiên cứu thêm trước khi triển khai các thay đổi dinh dưỡng này.
Biên dịch: TS.BSTY. Đinh Xuân Phát