Thỏ nuôi là loại gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch do các yếu tố môi trường ngoại cảm gây nên. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết, có khi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Nếu nuôi thỏ mà không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là khâu vệ sinh phòng bệnh thì dễ bị thất bại. Những bệnh thường dễ mắc ở thỏ là:
1/ Bệnh ghẻ:
Là bệnh ký sinh trùng ngoài da rất phổ biến gây tác hại lớn trong chăn nuôi thỏ.
Có 2 dạng:
– Ghẻ đầu, do loài ghẻ Notoedres ký sinh gây bệnh ở mí mắt, mũi, mép, có khi lan sang cổ, gáy và thường lây truyền sang móng chân, gót chân, vùng hậu môn và cơ quan sinh dục.
– Ghẻ tai, do loài ghẻ Psoroptes ký sinh gây bệnh ở trong lỗ tai, vành tai.
Triệu chứng lâm sàng: Thỏ ngứa, rụng lông và đóng vẩy. Nhiều khi dưới vẩy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Cơ thể bị nhiễm độc do ghẻ tiết ra, mất máu, thỏ không yên tĩnh, mất ngủ, kém ăn, gầy dần và chết.
Phòng trị: Thường xuyên sát trùng chuồng và dụng cụ nuôi bằng nước sôi. Khoảng 2 tuần người nuôi nên kiểm tra từng con. Nếu thấy thỏ bị ghẻ thì phải cách ly và dùng thuốc nước dạng ống tiêm Ivermectin để trị, sử dụng với liều lượng 0,7ml/3kg thể trọng, thuốc có tác dụng nhanh trong vòng một tuần và có hiệu lực trong vòng 6 tháng.
2/ Bệnh cầu trùng (cocidiosis):
Đây là bệnh phổ biến, dễ gây thiệt hại trong chăn nuôi thỏ. Bệnh do đơn bào ký sinh Eimeria gây nên trong điều kiện chăn nuôi và vệ sinh kém. Có 2 dạng bệnh: Cầu trùng gan và cầu trùng ruột, hai dạng này khác nhau về bệnh tích.
Từ lúc 2 tuần tuổi thỏ đã bị sơ nhiễm kén cầu trùng, kén này thường xuyên ký sinh trong cơ thể thỏ; sau khi cai sữa, thỏ tiếp tục nhiễm cầu trùng trong phân thỏ thải ra. Nếu mật độ nuôi nhốt lớn, ẩm thấp, dinh dưỡng kém,thỏ thiếu chất, sức đề kháng của cơ thể giảm sút thì cầu trùng phát triển nhanh: vừa phân huỷ tế bào đường ruột, gan, vừa tiết độc tố làm thỏ gầy yếu, nhiểm độc và chết. Thường thỏ chết nhiều vào lúc 2-3 tháng tuổi vì lúc này cơ thể thỏ còn nhỏ nên sức đề kháng kém.
Triệu chứng: Đối với bệnh cầu trùng ruột: Thỏ xù lông, kém ăn, ỉa chảy, phân có màu xanh. Thân nhiệt cao hơn bình thường, nước mũi, dãi chảy nhiều. Nếu là cầu trùng gan thì ngoài các triệu chứng trên còn thấy viêm mạc mắt, miệng hơi vàng.
Phòng trị: Khi thỏ bị bệnh nặng thì rất khó điều trị, chủ yếu phải phòng bệnh thật tốt từ khi còn bú mẹ để ngăn cản sự lây sự lây lan mầm bệnh.
Biện pháp như sau: Đáy chuồng phải có lỗ, rãnh thoát phân dễ dàng. Vệ sinh chuồng, máng ăn uống sạch sẽ. Thức ăn các loại phải sạch sẽ, không bị ôi mốc, biến chất, đảm bảo thỏ đủ dinh dưỡng, đặc biệt đủ vitamin, khoáng, muối… Sau khi cai sữa dùng thuốc Anticoc hoặc các loại Sulfamit như Sulfaquinoxalin, Sulfathiazol… trộn với thức ăn tinh với liều 0,1-0,2/1kg thể trọng, ăn trong 3 ngày liền, nghỉ 2 ngày lại cho ăn tiếp 3 ngày nữa hoặc cho ăn liên tục 5 ngày. Nếu trong đàn có một số con chết vì bệnh này thì có nghĩa cả đàn đã bị nhiễm, cần dùng thuốc trên với liều gấp đôi và uống điều trị trong 5 ngày.
3. Bệnh xuất huyết do virus (Haemorrhagic):
Đây là truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và có tính lây lan rất nhanh trên diện rộng và gây chết thỏ hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở nước ta từ năm 1999. Bệnh chủ yếu xảy ra ở thỏ từ 1,5 tháng tuổi trở lên.
Triệu chứng: Thỏ vẫn ăn uống bình thường, đôi khi thỏ lờ đờ, bỏ ăn trong thời gian ngắn rồi chết hàng loạt. Trước khi chết thỏ gãy giụa, quay vòng, ộc máu ở miệng, mũi, gan sưng to, bở; vành tim, phổi, khí quản xuất huyết.
Phòng trị: Việc điều trị không có kết quả, chủ yếu phòng là chính bằng cách: Tiêm phòng định kỳ bằng vacxin VHD bại huyết với liều lượng 1ml/con, phòng thường xuyên 6-8 tháng 1 lần. Song song đó, phải thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại.
Thực chất của bệnh này là rối loạn tiêu hoá do chuyển tiếp thức ăn đột ngột; thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn, dính nước nhiễm bẩn; uống nước lạnh hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lạnh lùa vào bụng…
4/ Bệnh viêm ruột truyền nhiễm:
Vi trùng chủ yếu gây ra bệnh này là E.coli nhiễm trong thức ăn, nước uống.
Triệu chứng: Lông xù, kém ăn, sốt cao, phân lỏng và thối, đôi khi lẫn dịch nhờn màu trắng, lông quanh hậu môn và vùng bụng bị thấm bết cả dịch và phân.
Điều trị: dùng Streptomycin pha loãng 1/20 cho uống 2-4 lần/ngày, mỗi lần uống 1-2ml, uống 203 ngày liền. Cần kết hợp uống nước chiết xuất từ các cây cỏ sữa, nhọ nồi và tiêm hoặc uống các sinh tố A, B để tăng khả năng phục hồi sức khoẻ.
KS. Trần Thị Bích Nguyên