Chăn nuôi bò đực giống rất quan trọng vì bò đực giống tốt hay xấu có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất của đàn bò sau này. Phạm vi ảnh hưởng của đực giống rất rộng và lâu dài – Ví dụ: 1 bò đực giống mỗi năm phối giống cho 40 – 50 bò cái thì đẻ ra từ 38 – 47 con bê (với tỷ lệ đậu thai là 95%) và mang 50% đặc điểm di truyền của đực giống. Với ý nghĩa như vậy việc chọn nuôi bò đực giống và kỹ thuật chăm sóc bò đực giống rất cần thiết.
Bước 1 – Chọn giống:
Về ngoại hình, bò có tầm vóc to lớn cân đối, dài đòn, trước cao sau thấp, hăng hái nhưng phải hiền lành; đầu to vừa và dài, da mặt khô, mạch máu nổi rõ; Trán rộng, mắt to tròn, lanh lẹ; mũi kín, bóng ướt; miệng rộng; Tai to vừa. Bắp thịt nở nang, rắn chắc. Cổ dài vừa phải, lưng thẳng, mông to rộng. Chân thẳng to gân gốc, móng khít tròn đen bóng và phải rắn chắc. Da mỏng bóng láng, lông bóng mượt. Tinh hoàn đều, to vừa, không thòng, không mắc bệnh.
Bước 2 – Nuôi dưỡng:
Khi đực giống đến tuổi giao phối cần có tiêu chuẩn nuôi dưỡng hợp lý. Tiêu chuẩn này căn cứ trên khốí lượng cơ thể bò đực giống và mức độ phối giống. Vào mùa phối giống nên tăng khẩu phần ăn từ 10 – 20% so với lúc bình thường. Cần bổ sung thêm thức ăn giàu protein động vật (như trứng, xác mắm cá, bột máu,…) và Vitamine A, E (có trong cà chua, bí đỏ, mầm thóc, đậu mọc mầm). Bổ sung đạm phi protein như bánh đa dưỡng chất, rơm ủ uré, uré phun lên rơm. Khi thay đổi thức ăn cho bò phải làm dần dần, không thay đổi đột ngột. Mùa nắng nên chăn thả tự nhiên và tắm hàng ngày. Mùa mưa nên giảm thời gian chăn thả, kiểm tra móng hàng ngày. Bò đực giống dễ cảm thụ với các kích thích bên ngoài, cho nên việc quản lý chăm sóc chúng sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất tinh dịch, nhất là ảnh hưởng tới sức sống của đàn con sau này.
Một số thí dụ về khẩu phần cho bò ăn như sau: thả đồng lúc có nắng tốt (khoảng 6 giờ/ngày). Kết hợp với khẩu phần sau:
Rơm 3kg
Lúa nẩy mầm 0.8kg
Cám mịn 1.5kg
Muối 60kg.
* Khẩu phần bò đực giống cân nặng 300 kg:
Cỏ tươi cắt 15kg
Rơm 3kg
Thóc mầm 1.2kg
Khoai lang củ 4kg
Khô dầu 0.5kg.
* Khẩu phần cho bò đực Sind nặng 570kg:
– Chăn thả: 5 giờ x 3kg = 15kg cỏ
Thóc mầm 1kg
Cám 4.5kg
Khô dầu phong 1kg
Bèo dâu 15
Rơm 3kg
Muối 100g hay xác mắm 0.5kg
Cộng 25kg.
Bước 3 – Cách phối giống, chế độ phối giống:
a. Cách phối giống:
Phối giống có hướng dẫn: Bò đực và bò cái được nuôi riêng. Khi bò cái lên giống mới cho bò đực phối. Cách này ta biết được ngày phối giống, ngày sinh, chọn bò đực giống đúng hướng dẫn.
Phối giống không có hướng dẫn: Bò đực và bò cái được nhốt chung trong đàn. Cách này bò đực dễ bị suy yếu, rút ngắn thời gian sử dụng bò đực giống,…
b. Chế độ phối giống:
Bò từ 18-27 tháng tuổi mới cho tham quan, 27-30 tháng tuổi mới cho phối giống. Đực phối giống lần đầu tiên một tuần một lần, sau đó tăng dần 3 – 4 lần/tuần. Nếu phối giống nhiều cứ 7 ngày cho đực giống nghỉ 1 ngày. Ngoài ra tuỳ điều kiện dinh dưỡng tốt hay xấu mà điều chỉnh số lần giao phối cho thích hợp.
Một số điểm các chủ hộ chăn nuôi bò đực giống cần biết (mức độ động dục và triệu chứng bên ngoài của bò cái): Không yên tỉnh, rống hoặc rên khẻ, kém ăn, cong lưng tuỳ ý hoặc khi sờ vào hông hoặc vùng hông. Nhảy lên bò cái khác hoặc chịu để những con khác nhảy lên mình. Niêm dịch âm hộ trong suốt dính vào đuôi. Âm hộ cương to, niêm mạc âm đạo đỏ.
Bước 4 – Chuồng trại:
Xây dựng nơi cao ráo, thoáng, dễ thoát nước, nên xây chuồng dưới gió để tránh mùi hôi.
Hướng chuồng: Hướng đông hay đông nam. Chuồng và sân chơi phải nhận đầy đủ ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng đực giống dễ bị ức chế sự sinh tinh.
Nền chuồng nên có độ dốc để thoát nước, diện tích: 5- 6m2/con, vách chuồng cao 1,4 – 1,6m.
Trong chuồng nên bố trí máng cỏ để bò có thể ăn dặm thêm. Bò đực phải xa chuồng bò cái để tránh bị kích thích phá chuồng.
Hố phân phải cách xa chuồng. Có túi ủ Biogas tận dụng phân, nước thải ủ lấy khí đốt phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Nền chuồng có thể là nền gạch, nền xi măng hoặc nền đất nện chặt có độ nghiên để thoát nước và dễ làm vệ sinh.
Bước 5 – Phòng bệnh:
Bò đực giống cần phải được tiêm phòng một số bệnh thường gặp như: Tụ huyết trùng, dịch tả trâu bò, sốt lở mồm long móng theo lịch tiêm phòng của Trạm thú y địa phương. Cần có biện pháp phòng chống côn trùng hút máu và truyền bệnh như chuồng có mùng để tránh ruồi, ve,… bệnh ký sinh trùng như tiêm mao trùng,…
Nguồn: thongtinkhcn.com.vn