Kỹ thuật làm chuồng nuôi heo

I. VỊ TRÍ XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI

– Để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh cho lợn, tùy điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi nên chọn vị trí xây dựng chuồng trại cho phù hợp nhưng phải đảm bảo điều kiện cách xa nhà ở của gia đình, các hộ xung quanh và các khu công cộng khác.

– Trong khuôn viên đất của gia đình nên xây chuồng lệch so với nhà ở, không nên xây chuồng thẳng phía trước hoặc sau nhà. Khi xây dựng chuồng nên xây ở phía cuối mảnh đất để chuồng trại cách xa nhà nhất trong điều kiện có thể.

– Không nên xây chuồng lợn chung với chuồng nuôi gia súc gia cầm khác.

– Địa hình khu chăn nuôi cao ráo, dễ thoát nước để tránh bị ngập úng khi mưa lớn.

– Có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi. Đảm bảo đủ diện tích chăn nuôi và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

 

II. THIẾT KẾ CHUỒNG TRẠI

1. Thiết kế chuồng trại

– Hướng chuồng:

Tuỳ thuộc vào vị trí và diện tích đất để bố trí hướng chuồng cho phù hợp. Tốt nhất là nên chọn hướng Nam hoặc Đông – Nam. Nếu là chuồng kín thì phải hướng chuồng không nhất thiết phải là 2 hướng trên.

 

– Kiểu chuồng:

Kiểu chuồng phù hợp với mục đích, điều kiện kinh tế của gia đình và diện tích mặt bằng.

Hiện nay có 2 kiểu chuồng chính: chuồng hở thì lưu thông không khí theo thông thoáng tự nhiên; chuồng kín điều tiết được nhiệt độ, độ ẩm theo hệ thống thiết bị phụ trợ (quạt, hệ thống làm mát…). Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ hiện nay thì áp dụng kiểu chuồng thông thoáng tự nhiên là phù hợp.

 

– Nền chuồng:

Chuồng trại phải được xây dựng trên nền cao, sạch sẽ, không trơn láng, dễ thoát nước. nền chuồng cao hơn mặt đất 30-45cm để tránh ẩm ướt ngập úng. Nên sử dụng công nghệ đệm lót sinh học.

 

– Mái chuồng:

Có dạng: 1 mái hoặc 2 mái; vật liệu làm mái có thể bằng ngói, tôn, fibro-xi măng, lá. Chiều cao mái nơi giọt ranh tối thiểu là 2,2 m.

 

–  Vách chuồng:

Có thể làm bằng song sắt, lưới sắt hay inox hoặc xây gạch, bê tông đảm bảo thông thoáng tự nhiên.( đảm bảo có 1/2 – 3/4 vách chuồng là lưới sắt hoặc song sắt)

 

– Diện tích chuồng:

Kích thước chuồng nuôi phụ thuộc vào số lượng và từng đối tượng vật nuôi:

+ Đối với lợn thịt diện tích tối thiểu chuồng nuôi là 0,7 m2/con

+ Đối với chuồng nuôi lợn nái thiết kế chuồng để đảm bảo từ 6- 8 m2 chuồng nuôi cho một đầu lợn nái.

Trong chuồng nuôi lợn nái nên thiết kế các ô nuôi nái chờ phối, nái chửa, ô nuôi nái nuôi con (trong đó có ngăn 1-2m2để úm lợn con khi mới sinh) và ô nuôi lợn con sau cai sữa.

Trong chuồng nuôi nên thiết kế vòi uống tự động cho vật nuôi luôn được uống nước sạch.

 

– Thiết kế hệ thống xử lý chất thải và vệ sinh sát trùng:

+ Tùy thuộc vào vị trí, diện tích đất và quy mô chăn nuôi để lựa chọn xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho phù hợp. Tốt nhất là sử dụng công nghệ đệm lót sinh học.

+ Ở các cổng ra vào cửa các khu chuồng trại và ở đầu mỗi chuồng phải bố trí hố khử trùng để đảm bảo vô trùng trước khi vào khu chăn nuôi và chuồng trại.

Khu vực chăn nuôi phải có tường rào bao quanh để ngăn cách với các khu vực khác nhằm hạn chế tối đa các tác nhân lây nhiễm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.

 

2. Thiết kế kho

– Kho chứa thức ăn phải đảm bảo thông thoáng, có hệ thống thông gió tốt, không bị dột, tạt nước khi mưa gió để đảm bảo không bị ẩm mốc.

– Kho phải có các bệ kê để thức ăn và nguyên liệu không tiếp xúc xuống sàn nhà. Thức ăn, nguyên liệu được chất thành từng lô, chiều cao lô vừa phải để thuận tiện trong việc sử dụng và phòng cháy, chữa cháy.

– Các loại hoá chất như dầu máy, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc thú y…không được để lẫn trong kho chứa chứa thức ăn.

– Các dụng cụ chăn nuôi chưa sử dụng cần được bảo quản trong kho sạch sẽ, tránh lây nhiễm trước khi sử dụng.

 

Nguồn: maychannuoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *