Các bước cai sữa cho heo

Ta nên chuẩn bị cũng như thực hiện việc cai sữa cho heo một cách cẩn thận sao cho hiệu quả nhất từ việc heo như thế nào thì cai sữa được?

 
Ngoài những điều kiện khách quan như điều kiện chăn nuôi lợn ở từng nơi; thời tiết ấm áp, không quá nóng hay quá lạnh; có đủ số ô chuồng cai sữa sạch sẽ cần thiết cho toàn bộ heo sẽ cai sữa cũng như có đủ con người, dụng cụ cần thiết để tiến hành cai sữa.
 
Thì điều kiện quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của toàn bộ heo con có đủ tốt để có thể cai sữa hay không? Cụ thể, heo khỏe mạnh phát triển bình thường, không có bệnh tật gì và trọng lượng cơ thể phải ≥ 6 kg thì mới có thể tiến hành cai sữa. Ngoài ra, để quyết định có cai sữa cho heo hay không ta còn cần căn cứ vào lượng thức ăn tập ăn heo thu nhận được/ngày. Nghĩa là chỉ nên cai sữa khi heo có thể ăn được lượng thức ăn đủ nhiều để đảm bảo cho sự phát triển của heo.
 
Như vậy, điều kiện cai sữa tốt nhất cho heo là khi có thể đáp ứng được đầy đủ các yếu tố trên. Tuy nhiên trong thực tế chăn nuôi heo công nghiệp, đôi khi người ta không thể đợi được đến khi có đầy đủ mọi điều kiện mới tiến hành cai sữa cho heo vì người ta còn phải tính toán sao cho kinh tế nhất.
 
1. Cần chuẩn bị những gì trước khi cai sữa?
 
a. Đầu tiên là việc chọn thời gian cai sữa cho heo:
 
Thời gian cai sữa phải phù hợp với đặc điểm sinh lý của heo con. Chính là lúc heo con đã có khả năng tự sống độc lập một mình mà không cần đến sự bảo vệ và che chở của mẹ nó.
 
Hiện nay trên thế giới đang có hai luồng ý kiến chủ đạo. Một số quan điểm cho rằng, nên cai sữa khi heo được 28 ngày tuổi còn một số ý kiến lại cho rằng nên cai sữa cho heo lúc 21 ngày tuổi. Mỗi ý kiến đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng như sau:
 
 
Trong thực tế, tùy thuộc mục đích chăn nuôi lợn của mỗi trại (trại heo giống hay trại heo thịt), độ đồng đều của đàn heo con cũng như khả năng nuôi con của heo nái mà người ta có những lựa chọn tuổi cai sữa cho heo khác nhau cho phù hợp với điều kiện thực tế tại trại. Ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới, đa phần các trại heo công nghiệp nuôi lấy thịt đều cai sữa cho heo lúc 21 ngày tuổi.
 
b. Chuẩn bị chuồng cho heo cai sữa:
 
Công việc chuẩn bị chuồng nuôi heo cai sữa nên được tiến hành trước ngày cai sữa 2-3 ngày cho khô ráo sạch sẽ. Trước tiên ta sẽ lau dọn vệ sinh sạch sẽ → phun sát trùng toàn bộ ô chuồng. Sau đó là chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như máng ăn, máng uống, dụng cụ vệ sinh, đường nước…
 
Khu vực úm chuẩn bị cho heo thường bố trí ở góc tường cho vững chãi và kín gió. Bên dưới là ván lót bằng gỗ hoặc tấm lót bằng polymer và xung quanh có thể quây bằng các tấm tôn hoặc gỗ. Bên trên là bóng điện sưởi (tốt nhất nên là bóng đèn hồng ngoại). Nhiệt độ của ô úm cần phải luôn luôn đảm bảo hợp lý vì nó là điều kiện rất quan trọng để heo con phát triển. một tuần đầu sau ngày cai sữa cần đảm bảo duy trì nhiệt độ khoảng 31-330C, sau đó nhiệt độ tối ưu là 28-320C.
 
Cần lưu ý một số điểm như sau:
 
– Chuồng cai sữa cần phải bố trí ở 1 khu riêng biệt, và phải đảm bảo luôn thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tráng gió lùa; độ ẩm thích hợp từ 65-70%.
– Sàn chuồng tốt nhất nên là sàn nhựa.
– Mật độ: 3 con/1 m2, ≤ 10 con/1 ô chuồng (1 ô chuồng = 3 m2).
– Chuẩn bị nước uống: 8-10 heo/ 1 núm uống và thường mỗi ô chuồng sẽ có 1 núm cao, 1 núm thấp. Tốc độ dòng chảy qua núm là 2 lit/phút (Dùng chai 1 lit hứng nước chảy ra từ núm, nếu trong vòng 30 giây nước chảy đầy chai thì tốc độ dòng chảy đạt 2 lit/phút, nếu không đạt, điều chỉnh cho phù hợp).
 
c. Chuẩn bị cho heo mẹ:
 
Giảm ăn cho heo mẹ dần dần trong 3 ngày trước khi tách nó khỏi đàn con. Ngày đầu tiên giảm còn 75% so với khẩu phần ăn bình thường, ngày thứ hai còn 50% và ngày tách khỏi heo con thì không cho nó ăn.
 
Việc giảm ăn cho heo mẹ nhằm tạo stress cho cả heo mẹ và heo con với 1 số mục đích như sau:
Giúp heo mẹ nhanh động dục trở lại → tăng số lứa đẻ/nái/năm.
Giảm lượng sữa tiết ra → giúp heo con là quen dần.
Đồng thời khi giảm lượng sữa tiết ra → giúp cho heo nái tránh các bệnh như sốt sữa, viêm vú…
Đối với nhiều trang trại chăn nuôi heo công nghiệp, trước khi chuyển heo con xuống chuồng cai sữa 1 tuần thì người ta sẽ tách con mẹ đi chỗ khác nhằm giúp heo con thích nghi dần với việc tự lập không có mẹ.
 
d. Chuẩn bị cho heo con:
 
Đối với những trang trại chăn nuôi quy mô nông hộ, đa phần trước ngày cai sữa người ta sẽ điều chỉnh để giảm dần việc heo con có thể bú mẹ: chặn lối đi ra khu vui chơi của heo con theo cường độ tăng dần.
 
Trong trường hợp ghép heo để cai sữa ta cần lưu ý về độ đồng đều của heo. Nghĩa là những heo cai sữa cùng 1 thời điểm thì không nên có sự chênh lệch quá nhiều về thể trạng, độ tuổi. Cụ thể theo kinh nghiệm thực tế thì không nên chênh lệch nhau quá 7 ngày.
 
+ Quá trình cai sữa và những lưu ý không nên bỏ qua:
 
Công việc đầu tiên của việc cai sữa chính là chuyển heo – tưởng chừng như đơn giản ít ai lưu ý nhưng lại là khâu vô cùng quan trọng trong quá trình cai sữa. Chuyển heo tốt nhất phải làm sao tránh tối đa những stress không cần thiết tác động lên heo con. Muốn vậy, đầu tiên ta nên chuyển vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Khi bắt và thả heo nên nhẹ nhàng, từ tốn, không được mạnh tay.
 
Ngoài ra, ta cần hỗ trợ heo để nâng sức đề kháng cũng như phòng các bệnh kế phát bằng các loại thuốc hỗ trợ như sau:
 
– Điện giải: pha sẵn nước điện giải để khi heo chuyển đến có uống → tránh stress.
– Kháng sinh phòng kế phát: Thông thường ta hay dùng các loại kháng sinh hoạt phổ rộng, tuy nhiên, tùy thuộc vào dịch tễ của mỗi trại mà ta có sự lựa chọn cho chính xác. Ví dụ: có những khu vực trại khi dùng kháng sinh Oxytetracylin cho hiệu quả rất tốt nhưng cũng có những khu vực trại cho hiệu quả không cao vì thuốc đã đề kháng từ trước đó.
 
Bên cạnh các thuốc hỗ trợ như điện giải hay kháng sinh phòng thì vaccine cũng là 1 chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trong giai đoạn này. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tiêm bất kỳ vaccine nào trước và sau ngày cai sữa 3 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trại vẫn tiêm 1 mũi vaccine suyễn lần 2 vào 21 ngày tuổi???.
 
+ Liệu trình tham khảo trong ngày cai sữa:
 
GlucoK-C: 2-3g/1 lit nước, hòa cho heo uống trong vòng 3-4 ngày tính từ ngày cai sữa.
Kháng sinh: Amoxicilin hay Ampicilin kết hợp với Colistin: 1-2ml/ heo con, tiêm 1 mũi khi chuyển heo.
Tiêm vaccine suyễn mũi thứ hai 2 ml/con.
 
Đối với nhiều trang trại chăn nuôi heo công nghiệp, trước khi chuyển heo con xuống chuồng cai sữa 1 tuần thì người ta sẽ tách con mẹ đi chỗ khác nhằm giúp heo con thích nghi dần với việc tự lập không có mẹ.
 
Bên cạnh các thuốc hỗ trợ như điện giải hay kháng sinh phòng thì vaccine cũng là 1 chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trong giai đoạn này. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tiêm bất kỳ vaccine nào trước và sau ngày cai sữa 3 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trại vẫn tiêm 1 mũi vaccine suyễn lần 2 vào 21 ngày tuổi???.
 
+ Một số mẹo hạn chế cắn nhau:
 
Treo lốp xe ở giữa chuồng ngang tầm mặt của heo.
Vứt vỏ bao cám có màu sặc sỡ vào trong chuồng cho heo cắn.
Vứt 1 số đồ chơi bằng nhựa như bóng nhựa, chai nhựa,…vào chuồng..
 
+ Một số lưu ý để có chế độ dinh dưỡng phù hợp:
 
– Giảm tỷ lệ xơ trong khẩu phần ăn: Khả năng tiêu hóa chất xơ ở heo con còn kém, tỷ lệ xơ trong khẩu phần ăn cao thì heo con sinh trưởng phát triển chậm, tiêu tốn thức ăn cao, heo con dễ táo bón, viêm ruột và có thể dẫn đến còi cọc, tỷ lệ thích hợp là ≤ 4%.
– Tỷ lệ thức ăn tinh thích hợp: Heo con ở giai đoạn này cần có dinh dưỡng tốt cho phát triển bộ xương và cơ bắp là chủ yếu. Nếu chúng ta cung cấp khẩu phần ăn có lượng thức ăn tinh bột cao, heo con sẽ béo sớm và khả năng tăng trọng sẽ giảm, tích lũy nhiều mỡ sớm. Tỷ lệ thức ăn tinh thích hợp cho heo con trong giai đoạn này là 80% trong khẩu phần.
– Tỷ lệ protein trong khẩu phần ăn: giai đoạn trước 15 kg = 19 – 20%, giai đoạn sau 15 kg = 16 -18%.
– Tỷ lệ nước thích hợp: Nếu khẩu phần heo con có tỷ lệ nước cao sẽ dẫn đến tiêu hóa kém, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng nhất là protein, thức ăn nhiều nước cũng gây nên nền chuồng bẩn, ẩm thấp và heo con dễ nhiễm bệnh.
 
Nếu tỷ lệ nước thấp sẽ gây nên thiếu nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của heo con. Tỷ lệ thức ăn tinh: thô phải thích hợp, cứ 1 kg thức ăn tinh trộn với 0,5 kg nước sạch, tối đa có thể là tỷ lệ 1:1, ngoài ra người chăn nuôi phải cho heo con uống nước đầy đủ theo hình thức tự do.
 
– Ngoài ra chúng ta còn cần bổ sung khoáng vi lượng như Mn, Co, Cu, Mg, Fe, I2… và bổ sung cho heo những chế phẩm Vitamin – Khoáng.
 
+ Phương pháp cho heo con ăn:
 
– Cho heo con ăn nhiều bữa trong ngày, 5 – 6 bữa/ngày thì có tốc độ tăng trọng cao hơn cho ăn 3 bữa/ngày. Tuy nhiên, nếu cho ăn thành nhiều bữa sẽ tốn công lao động trong chăn nuôi. Từ đó người chăn nuôi cần lựa chọn số bữa thích hợp để cho heo con ăn.
– Cho heo con ăn đúng giờ giấc qui định và tập cho heo con có những phản xạ có điều kiện về tiêu hóa.
– Cho heo con ăn từ từ để tránh vung vãi ra ngoài và từ đó hạn chế được heo con mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
– Cho heo con ăn đúng tiêu chuẩn và khẩu phần ăn. Theo dõi sức khỏe để điều chỉnh khẩu phần và tiêu chuẩn cho chúng.
– Khi chuyển cám giữa các giai đoạn trong giai đoạn nuôi cai sữa, ta cần lưu ý chuyển từ từ (tối thiểu trong 3 ngày, cụ thể ngày đầu 75% cám cũ và 25%cám mới, ngày thứ hai là 50% – 50% và ngày thứ ba tương ứng là 25% – 75%), tránh chuyển đột ngột gây stress, rối loạn tiêu hóa cho heo.
 
Heo cai sữa
 
2. Phòng bệnh cho heo:
 
Ngoài các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tổng thể tốt thì quy trình phòng bệnh cho heo con giai đoạn này chủ yếu là dùng kháng sinh kết hợp với vaccine.
 
Sau đây là liệu trình phòng bệnh mà các bạn có thể tham khảo:
 
 
 
3. Heo con sau cai sữa phải như thế nào mới đạt yêu cầu?
 
Tùy thuộc vào điều kiện của từng khu vực, từng trại và đặc biệt là từng giống khác nhau mà ta có những kết quả đạt yêu cầu khác nhau. Dưới đây là một vài thông số phổ biến tại các trại chăn nuôi heo công nghiệp.
 
– Tỷ lệ chết: 2 – 4%.
– FCR ≤ 1.4
– Trọng lượng cai sữa = 7.0 kg.
– Trọng lượng lúc 63 ngày = 23kg.
 
– Tỷ lệ heo con mắc bệnh thấp: Heo con sau khi kết thúc nuôi ở giai đoạn này thì không mắc các bệnh tật hoặc nếu có mắc bệnh thì chỉ ở tỷ lệ thấp (< 5%), với các bệnh về ký sinh trùng hoặc là các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời heo con có khả năng đề kháng cao và khả năng thích nghi tốt trong điều kiện sống mới.
 
Như vậy, để có được kết quả chăn nuôi tốt nhất ở giai đoạn cai sữa ta không những chỉ cần có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mà ngay cả trong và sau khi cai sữa ta cũng cần phải nắm được những kỹ thuật cơ bản để chăm sóc heo đạt hiệu quả cao nhất.
 
Tuy nhiên, ngoài kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc cơ bản ra thì kết quả trong giai đoạn này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau nên trong thực tế chăn nuôi, ngoài những điều vừa nên trên ta cần linh hoạt, nhạy bén trong từng trường hợp, từng trại cụ thể sao cho heo con tăng trưởng được tối đa, từ đó nâng cao năng suất chăn nuôi cũng như nâng cao lợi nhuận cho toàn trại.
 
VietDVM
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *