Bệnh viêm tử cung ở bò cái

Viêm tử cung là một trong những bệnh thường gặp ở bò cái sinh sản, nhất là trong điều kiện chăn nuôi thâm canh và theo quy mô trang trại. Bệnh xảy ra khi có một số lượng lớn vi khuẩn hoặc các vi khuẩn đặc trưng, có độc tính cao tấn công. Nhìn chung, tác nhân chủ yếu của bệnh là các liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E.coli hoặc Actinomyces pyogenes.

1. Tử cung có thể bị viêm trong một số trường hợp sau:

– Thụ tinh nhân tạo không đúng kỹ thuật, làm cho thành tử cung bị tổn thương. Khi đó các vi khuẩn có trong tinh dịch hoặc cùng với tinh quản, được đưa vào tử cung, gây ra nhiễm trùng thứ cấp. Tuỳ theo sức công phá của vi khuẩn mà nhiễm trùng phát ra nhanh hay chậm, nhưng thông thường thì trong khoảng 48 giờ. Thường thì cơ tử cung cũng bị bệnh và đôi khi thấy trường hợp tử cung bị thủng và viêm phúc mạc.

– Đẻ khó hoặc sát nhau, làm cho hệ cơ của tử cung không co bóp. Các vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tử cung và nhân lên nhanh chóng. Các độc tố do chúng thải ra gây nên hiện tượng nhiễm độc máu cho gia súc .

– Viêm nội mạc tử cung  nhưng bò cái vẫn có chu kỳ động dục bình thường và hình thành thể vàng. Đây chính là trường hợp viêm nội mạc tử cung tích mủ với thể vàng tồn lưu và bò cái không động dục nữa.
 
2. Triệu chứng:

Triệu chứng bệnh thay đổi tùy theo từng trường hợp và mức độ trầm trọng của chứng viêm. Thông thường có thể thấy gia súc bị sốt, kém ăn, trông có vẻ buồn ngủ, mạch đập và tần số hô hấp tăng lên, gia súc gầy đi nhanh chóng. Có dịch mầu nâu đậm, mùi khó chịu, lẫn mủ và lẫn các mẩu mô tế bào chảy ra từ âm đạo. Khi sờ nắn qua trực tràng thấy tử cung phồng lên.

Trong trường hợp viêm tử cung do thụ tinh nhân tạo có thể thấy các triệu chứng của viêm phúc mạc. Khi đó nếu sờ qua trực tràng cảm giác thấy bề mặt tử cung sần sùi.
 
3. Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các dấu hiệu nêu trên, kết hợp với sờ nắn qua trực tràng. Cũng có thể soi âm đạo như một phương pháp hỗ trợ cho chẩn đoán và khi đó thấy niêm mạc âm đạo hồng nhạt, dịch mủ chảy ra từ lỗ cổ tử cung. Soi âm đạo còn cho phép phân biệt giữa viêm nội mạc tử cung với nhiễm trùng cổ tử cung, viêm âm đạo, áp-xe quanh âm đạo hoặc với viêm đường âm đạo-tiết niệu…

Trường hợp viêm tử cung tích mủ và có thể vàng tồn lưu, khi sờ qua trực tràng thấy có thể vàng trên một trong hai buồng trứng và có sự mất cân đối giữa các sừng tử cung. Cần lưu ý tránh nhầm lẫn bệnh này với trường hợp mang thai. Trong trường hợp bệnh, không thấy hiện tượng trượt của các màng nhau, sự hiện diện của màng dương và không có các núm nhau. Nếu có thể làm cho dịch chứa bên trong di chuyển từ sừng tử cung này sang sừng tử cung khác thì có thể khẳng định chắc chắn là trường hợp viêm tử cung tích mủ.
 
4. Điều trị:   

Đối với chứng viêm tử cung, tiến hành điều trị theo ba bước như sau:

– Trước hết, dùng một trong các chất kháng khuẩn sau đây thụt rửa tử cung nhiều lần:

+ Rivanol, dung dịch 1-2%, khoảng 300-500 ml
+ Nước muối, dung dịch  1-2%, khoảng 300-500ml
+ Dung dịch Lugol: 100ml, (dung dịch Lugol là hỗn hợp I2, KI và nước cất theo tỷ lệ 1:2:300)
 
– Sau đó đưa thẳng vào tử cung các loại kháng sinh phổ rộng. (nếu khó đưa qua cổ tử cung, có thể dùng một pipet thụ tinh nhân tạo và bơm kháng sinh dưới dạng dung dịch vào bên trong):   
+ Oxytetracycline:  2,5g, pha với 30ml nước
+ Kanamycine: 3g pha với 30ml nước
+ Ampicycline: 2-3g pha với 30ml nước
 
– Kết hợp với điều trị toàn thân bằng tiêm bắp trong vòng ít nhất 5 ngày với một trong các loại kháng sinh :
          
+ Gentamycine: 1ml cho 10 kg thể trọng
+ Ampi-septol: 1ml cho 10-12 kg thể trọng
+ Kanamycine: liều 750mg hoà tan trong 100 ml dung dịch nước sinh lý
+ Penicilline: liều 750mg  hoà tan trong 100 ml dung dịch nước sinh lý
           
Chú ý: Trong trường hợp sát nhau thì sử dụng viên đặt tử cung hoặc phải dùng tay nhẹ nhàng loại bỏ đến mức tối đa phần nhau thai còn lại, sau đó mới thụt rửa.  Nếu là trường hợp viêm tử cung tích mủ với thể vàng tồn lưu thì bệnh không bao giờ tự khỏi nếu không can thiệp. Biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm prostaglandin hoặc các chất tương tự để làm tiêu biến thể vàng, giảm hàm lượng progesteron và tăng hàm lượng estrogen trong máu. Cổ tử cung mở, tử cung co bóp và như vậy mủ được thải ra.  
 
5. Phòng bệnh:

Cần chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái hợp lý, nên chăn thả trên bãi hoặc cho bò vận động. Khẩu phần dinh dưỡng phải cân đối, phù hợp với nhu cầu, nhất là trong thời kỳ mang thai cuối.

Có các biện pháp hộ lý đỡ đẻ và tuân thủ các quy tắc vệ sinh trong thời kỳ bò đẻ. Khi trong đàn có một gia súc bị viêm tử cung, cần điều trị tích cực và nuôi tách riêng với những con khác để tránh lây nhiễm qua dịch, mủ.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *