Bệnh sán dây ở động vật nhai lại

Sán dây là loại ký sinh trùng thường gặp ở gia súc nhai lại như dê, cừu, trâu bò, đặc biệt là gia súc nhai lại còn non và được chăn thả trên đồng cỏ. Gia súc mắc bệnh gầy yếu, sinh trưởng kém, còi cọc, chậm lớn, thiếu máu, suy nhược, sức đề kháng giảm sút, dễ mắc các bệnh khác và dễ chết nếu nhiễm nặng, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

1. Đặc điểm

a/ Đặc điểm sinh học của mầm bệnh: Bệnh do giống sán dây Moniezia thuộc lớp Cestoda, họ Anoplocephalidane gây ra, trong đó có hai loài gây bệnh phổ biến trên trâu, bò, dê, cừu là Moniezia expansa và M.benedeni.

 

b/ Đặc điểm hình thái: Các Moniezia có hình dải băng, màu trắng. Cơ thể dài khoảng 6m, dẹp, gồm các đốt xếp lại với nhau, kích thước đốt lớn dần từ đầu đến cuối thân. Cơ thể chia thành ba phần: phần đầu, có 4 giác bám, mỗi giác bám có móc kitin để móc bám vào thành ruột; phần cổ, là những đốt sán nối tiếp sau đầu, có khả năng sinh ra các đốt thân, cơ quan sinh sản ở các đốt cổ chưa hình thành rõ; phần thân, gồm những đốt sau cổ, có hình dạng và cấu tạo khác nhau.

 

c/ Cấu tạo bên trong: Sán dây Moniezia là loài lưỡng tính, có cả cơ quan sinh dục đực và cái trong mỗi đốt sán đã thành thục. Tử cung phân nhánh, không có lỗ thông với bên ngoài. Tuyến noãn hoàng tập trung, có hình khối. Trứng nằm trong tử cung. Sán Moniezia không đẻ trứng mà đốt sán già sẽ tách khỏi thân và theo phân ra ngoài.

 

– Phần thân sán dây: gồm ba loại đốt:

+ Các đốt chưa thành thục về sinh dục (ở gần cổ): cơ quan sinh dục bên trong đốt sán phát triển chưa đầy đủ, chỉ có cơ quan sinh dục đực.

 

+ Các đốt thành thục về sinh dục (ở giữa thân): cơ quan sinh dục bên trong đã phát triển đầy đủ, có cả cơ quan sinh dục đực và cái, có hệ bài tiết, cấu tạo mỗi đốt tương tự như một cơ thể sán lá, chỉ khác là không có hệ tiêu hoá.

 

+ Các đốt già (ở cuối thân): bên trong chứa đầy tử cung với vô số trứng. Ở các đốt già, cơ quan sinh dục đực bị thoái hoá. Các đốt này thường xuyên tách rời khỏi cơ thể sán và theo phân ra ngoài.

 

– Lớp vỏ bao bên ngoài: cấu tạo bằng lớp da cơ gồm các lớp: cuticun, màng bazan và lớp dưới cuticun, tiếp theo là lớp cơ. Ở lớp cuticun bên ngoài có nhiều lỗ thoát nhỏ, lớp cơ gồm nhiều bó cơ vòng và cơ dọc. Bên trong lớp cơ là các khí quan của sán.

 

– Hệ tiêu hóa: cũng giống các sán dây khác, Moniezia không có hệ tiêu hoá và lấy thức ăn bằng phương thức thẩm thấu qua bề mặt cơ thể.

 

– Hệ thần kinh: gồm các hạch phân bố ở đầu, nối với 2 dây thần kinh chạy qua các đốt sán về cuối thân.

– Hệ tuần hoàn và hệ hô hấp tiêu giảm. Hô hấp theo kiểu yếm khí.

– Hệ bài tiết: gồm 2 ống chính từ đầu sán đi về cuối thân và thông với lỗ bài tiết. Ngoài ra, ở mỗi đốt sán còn có những ống ngang nối liền với 2 ống chính.

 

– Hệ sinh dục: có trong mỗi đốt sán. Cơ quan sinh dục đực gồm nhiều tinh hoàn, mỗi tinh hoàn được nối với ống dẫn tinh riêng, các ống này đổ vào ống dẫn tinh chung và thông với túi sinh sản. Phần cuối của ống dẫn tinh trong túi sinh sản là dương vật thông với bên ngoài qua lỗ sinh dục đực. Cơ quan sinh dục cái gồm Ootype (ngã tư sinh dục). Ootype thông với tử cung, buồng trứng, tuyến noãn hoàng, tuyến Mehlis, âm đạo. Phần cuối của âm đạo là lỗ sinh dục cái thông với bên ngoài và ở cạnh lỗ sinh dục đực.

 

d/ Vòng đời sán dây

Súc vật nhai lại là ký chủ cuối cùng của sán, giúp sán hoàn thành vòng đời và ký sinh ở giai đoạn thành thục. Để hoàn thành vòng đời, sán dây Moniezia cần ký chủ trung gian là các loài nhện đất thuộc họ Oribatidae như: Galumna cunarginata, G. obvius, G. nigara, Scheloribates laevigatus, S. latipes,….

 

Đốt sán già rụng, theo phân dê, cừu, bò, trâu ra ngoài. Ở môi trường ngoài, đốt sán phân hủy, giải phóng nhiều trứng sán. Trứng sán dây phát tán ở trong đất, được các loài nhện đất họ Oribatidae ăn phải. Vào đường tiêu hoá của nhện đất, trứng nở thành ấu trùng 6 móc, rồi phát triển thành ấu trùng có khả năng gây bệnh (Cysticercoid) trong cơ thể nhện đất. Thời gian từ khi nhện đất nuốt trứng sán đến khi phát triển thành Cysticercoid cần khoảng 120 – 180 ngày.

 

Ký chủ cuối cùng là dê, cừu, trâu, bò,…. ăn cỏ, cây có lẫn nhện đất. Vào đường tiêu hoá, nhện đất được tiêu hóa nhờ enzym trong đường tiêu hóa gia súc nhai lại, ấu trùng được giải phóng ra, bám vào niêm mạc ruột non, thẩm thấu dinh dưỡng qua bề mặt cơ thể, phát triển thành sán dây trưởng thành. Thời gian từ lúc súc vật nhai lại nuốt phải nhện đất mang ấu trùng gây bệnh, đến khi phát triển thành sán dây trưởng thành dài ngắn tuỳ loài sán: M. expansa cần khoảng 37 – 40 ngày, M. benedeni cần khoảng 50 ngày.

 

e/ Đặc điểm dịch t

– Sức đề kháng của trứng sán:

+ Khi trứng sán ở trong nước hoặc chuồng gia súc ẩm ướt, trong 10-15 ngày có 30-40% trứng chết; sau 40-50 ngày có 93-99% trứng chết.

+ Ở nơi khô ráo, toàn bộ trứng chết sau 60 ngày; sau 10 ngày, đến 50% trứng chết. Trứng ở trong phân khô cạn, chết 98% sau 40 ngày.

+ Tuổi ký chủ: tuổi động vật càng cao thì tỷ lệ nhiễm càng thấp. Bệnh thường thấy ở dê, cừu, bê từ 1,5-8 tháng tuổi; trên 8 tháng, bê có sức thải sán ra ngoài, do đó tỉ lệ bệnh giảm.

 

– Yếu tố lây truyền: gia súc nhiễm sán hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình phân bố và sự sinh sống của ký chủ trung gian là nhện đất họ Oribatidae trên bãi chăn thả. Thời gian nhện đất phát triển từ ấu trùng đến trưởng thành rất ngắn. Nhiệt độ 20oC, độ ẩm 100% cần 47-109 ngày; thời gian sống của chúng lại dài (14-19 tháng). Vì vậy, ấu trùng gây bệnh cũng tồn tại lâu trong thiên nhiên.

 

– Nhện đất có đặc điểm là ưa sống trên đất bỏ hoang, số lượng rất lớn, mỗi mét vuông có thể có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn con. Nếu đồng cỏ được cải tạo luôn thì số lượng nhện đất giảm. Nhện đất sống ở môi trường có nhiệt độ, ẩm độ nhất định. Nếu quá lạnh hoặc quá nóng thì nhện đất di chuyển đi chỗ khác. Khi nóng (30oC, ánh sáng mạnh) và khô, chúng từ thân cây, cỏ bò xuống rễ, có khi xuống sâu 4-5 cm. Khi trời mưa, đất ẩm ướt và ít ánh sáng mặt trời, chúng lại bò từ dưới đất lên cây cỏ. Vì vậy, tỉ lệ nhiễm sán dây do Moniezia tăng lên vào mùa hè và giảm đi vào mùa đông.

 

2. Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ nhiễm. Súc vật ăn ít, khát nước, phân từ bình thường chuyển sang nhão rồi lỏng, có lẫn máu và chất nhầy, trong phân có lẫn những đốt sán. Một số trường hợp thân nhiệt tăng, hay nằm, lười vận động. Con vật gầy yếu dần, lông xù và mất độ bóng. Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng thể hiện rất rõ ở màu sắc nhợt nhạt, xanh tái của niêm mạc. Một số trường hợp súc vật nhai lại bị bệnh thể hiện triệu chứng thần kinh (run rẩy, lảo đảo, xoay tròn, đầu lúc lắc….).

 

Các trường hợp dê, cừu bị bệnh sán dây nặng thường gây chết 80 – 90% gia súc ở lứa tuổi dưới 1 năm. Gia súc chết trong tình trạng gầy sút rõ rệt, bụng ỏng, ỉa chảy, phân dính bê bết. Về cuối bí ỉa, ỉa ra bọt, co rặn đau đớn và chết. Một số con có biểu hiện đi vòng quanh.

 

3. Bệnh tích

Bệnh tích thể hiện rõ ở súc vật nhai lại còn non (dê, cừu non và bê). Ở súc vật trưởng thành và đã già bệnh tích không rõ. Bệnh tích thấy rõ nhất ở ruột non. Ruột non viêm cata, niêm mạc có thể có những điểm xuất huyết, trong ruột non chứa nhiều sán, có khi tắc ruột, vỡ ruột. Ngoài ra, có thể thấy hiện tượng tích nước ở lồng ngực, bụng và bao tim.

Chẩn đoán bệnh sán dây:

Để chẩn đoán bệnh do sán dây, có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm phân tìm đốt sán. Những triệu chứng đáng chú ý là: gầy yếu, suy nhược, thiếu máu, tiêu chảy, phân có nhiều đốt sán.

– Chẩn đoán trực tiếp tìm đốt sán và mảnh đốt sán trong phân. Nếu ít đốt sán, có thể tìm theo phương pháp gạn rửa sa lắng rồi cho cặn lên giấy để tìm đốt sán.

– Tìm trứng sán: làm phương pháp Fulleborn, tìm trứng sán khi đốt sán già vỡ ra. Trứng hình 3 cạnh, hơi tròn, màu tro nhạt, trong có ấu trùng 6 móc, có khí quan hình lê bao bọc. Cần chú ý khi trong ruột có đốt sán nhưng tử cung của sán khép kín, trứng không theo phân ra ngoài.

 

4. Điều trị

Có thể dùng một trong những thuốc sau:

– Iviebendaroze 15-20 mg/kg P, cho thuốc qua miệng.
– Netobimin; 7,5-20 mg/kg P, cho thuốc qua miệng.
– Niclozamide: 75-90 mg/kg P, cho qua miệng.
Benzimidazol: 10mg/kg P, cho thuốc qua miệng.
 

5. Phòng bệnh

– Định kỳ tẩy sán dây cho súc vật trước khi sán thành thục bằng một trong các loại thuốc trên. Đối với những đàn gia súc chăn thả trên bãi chăn đã có mầm bệnh thì sau khi chăn thả 30 – 35 ngày phải dùng thuốc tẩy và không để chậm quá sau ngày thứ 50. Tẩy 1 lần có thể không hết sán dây, vì vậy sau 10 – 15 ngày có thể tẩy lại lần 2.

 

– Dùng phương pháp ủ nhiệt sinh học: Hàng ngày dọn sạch phân ở chuồng nuôi, đồng thời thu gom phân trên đồng cỏ, bãi chăn, tập trung vào một nơi, vun thành đống, đắp đất kín dầy 20-30 cm, để sau 3-4 tuần nhiệt độ đống ủ tăng lên, có tác dụng diệt được trứng và ấu trùng giun sán. Có thể trộn thêm tro bếp, vôi bột và lá xanh vào phân để tăng thêm nhiệt độ của đống ủ. Hoặc đào hai hố ủ phân ở cạnh nhau, phía sau chuồng nuôi, hàng ngày gom phân vào một hố, khi đầy trát kín miệng hố bằng bùn hoặc đắp đất, sau 3-4 tuần nhiệt độ hố ủ tăng lên trên 50oC sẽ diệt được trứng và ấu trùng giun sán.

 

– Chuồng nuôi dê phải giữ khô ráo, sạch sẽ, vì dây là nơi dê thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh giun sán do chính nó thải ra.

 

– Cải tạo đồng cỏ, bãi chăn thả để hạn chế sự phát triển của ký chủ trung gian.

– Thời gian chăn thả: tránh nhện đất bằng cách không chăn thả lúc sáng sớm, chiều tối.

 

Nguồn: udkhcnbinhduong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *