(Người Chăn Nuôi) – Đây là phát biểu của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức diễn ra sáng ngày 14/8 tại Hà Nội. Hội nghị là dịp để các đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một cách khách quan nhất về thực trạng chăn nuôi heo hiện nay, từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng.
Toàn cảnh Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo bền vững diễn ra sáng 14/8 tại Hà Nội.
Những chuyển biến mạnh mẽ
Báo cáo về tình hình chăn nuôi heo trên cả nước thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi khoảng 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của cả nước. Trong đó, chăn nuôi heo vẫn là lĩnh vực chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng báo cáo tình hình chăn nuôi heo trên cả nước thời gian qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng, chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất, qua đó đã thu hút tái đàn, do vậy tổng đàn heo vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (đàn heo tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023).
Cũng theo ông Đăng, Việt Nam hiện là quốc gia có ngành chăn nuôi heo đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Thời gian qua, tăng trưởng đàn heo của Việt Nam có sự biến động lớn cả về tổng đàn và sản lượng. Năm 2023, số đầu heo đạt cao nhất trong 5 năm trở lại đây với tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình 6,0%/năm.
“Chăn nuôi heo của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang có sự chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng nhận định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực chăn nuôi heo của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình là việc triển khai chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự đồng bộ. Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện nhiều, giá thành sản xuất cao. Hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp không cạnh tranh được với giết mổ nhỏ lẻ. Không chỉ vậy, hiện nay, chăn nuôi heo của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, sự toàn cầu hóa về thị trường đã và đang ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi.
Giải pháp để phát triển toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, muốn phát triển ngành chăn nuôi heo hướng tới xuất khẩu cần kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng cường xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y tThế giới. Hiện nay, chúng ta đã nghiên cứu và sản xuất ra một số loại vaccine phòng bệnh trên đàn heo và qua thực tế kiểm nghiệm đã chứng minh vaccine đạt hiệu quả. Việc triển khai tiêm phòng vaccine trên đàn heo tại các doanh nghiệp, trang trại đã làm tốt, tuy nhiên ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì điều này vẫn còn hạn chế.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, muốn phát triển ngành chăn nuôi heo trước hết cần kiểm soát tốt dịch bệnh.
Một vấn đề nổi cộm khác nữa cũng được ông Minh nêu ra đó là tồn tại nhiều bất cập trong quản lý hoạt động giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ hiện nay. Theo ông Minh, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ động vật chưa đồng bộ, hiệu quả. Nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, không hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nên chưa thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
Liên quan đến vấn đề xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh đề xuất, cần có cơ chế mạnh mẽ để bảo vệ các trang trại đã được công nhận đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời cũng cần phải thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các cơ sở này xem họ có thực hiện theo đúng quy định đã cam kết hay không. Cũng theo ông Xuân, một số bất cập trong Luật Đất đai đối với khu vực dành cho chăn nuôi heo cũng cần bám sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho rằng, nên sớm phân định các vùng chăn nuôi trọng điểm và cần có cơ chế chính sách đặc thù với các vùng này. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang được ưu tiên khuyến khích thì việc coi ngành chăn nuôi heo là đầu vào để cung cấp nguồn phân bón hữu cơ phát triển cho các cây trồng chủ lực như tại Tây Nguyên cũng cần được chú trọng hơn. Tuy nhiên muốn thực hiện hiệu quả, người dân rất cần nhà nước hỗ trợ về vấn đề kỹ thuật, môi trường, nguồn vốn.
Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, phát triển chăn nuôi heo bền vững cần sự tham gia từ nhiều bên và cần đảm bảo các yếu tố như bền vững về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp khi nuôi heo phải có lãi. Đảm bảo bền vững về môi trường sinh thái với sự chia sẻ và hành động quyết liệt từ chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chăn nuôi heo cần đảm bảo an sinh xã hội khi người tiêu dùng được hưởng giá mua phù hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những ý kiến tham luận sôi nổi tích cực từ các đơn vị, địa phương, hiệp hội. Đồng thời nhấn mạnh có rất nhiều việc cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu muốn thúc đẩy chăn nuôi heo phát triển. Trước mắt, từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị đảm bảo kiểm soát nguồn cung, bình ổn giá heo không để ảnh hưởng đến chỉ số CPI.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị bám sát và tuân thủ chặt chẽ các Đề án đã được phê duyệt của ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các đề án chiến lược trụ cột của ngành chăn nuôi đều đã có, cần sớm được triển khai thực hiện. Đồng thời, hoạt động chống buôn lậu gia súc, gia cầm tại vùng biến giới cần được đẩy mạnh thường xuyên. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Chăn nuôi tiếp tục rà soát, kiểm soát các sản phẩm heo nhập khẩu. Riêng với các doanh nghiệp cung cấp heo giống, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống con giống chuyên nghiệp, lưu trữ, bảo tồn nguồn giống nhập khẩu và bản địa. Về kiểm soát giết mổ, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giết mổ, nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ cần thực hiện, do vậy Thứ trưởng đề nghị cần nhanh chóng triển khai những nội dung của Đề án này, không để giết mổ nhỏ lẻ tràn lan khó kiểm soát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lây lan dịch bệnh.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)