Kiến nghị gỡ khó cho ngành gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhằm kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.

Theo VIPA, hiện nay ngành gia cầm nước ta đang phải đối mặt với 6 khó khăn thách thức. Một là, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục, khiến sản xuất và thương mại của ngành gia cầm giảm sút cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng) gặp nhiều khó khăn. Mức độ tiêu thụ con giống không những giảm 30 – 35% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, mà giá bán cũng chạm đáy, thậm chí dưới giá thành, hiện chỉ còn 4.000 – 6.000 đồng/con gà giống 1 ngày tuổi (trong khi giá thành 6.000 – 7.000 đồng/con tùy loại). Giá các mặt hàng gà và vịt thịt các loại cũng đứng ở mức thấp và tiêu thụ chậm. Mặc dù giá giống gia cầm thấp kỷ lục, nhưng nhiều trang trại và hộ chăn nuôi vẫn dè dặt tái đàn. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt, trứng gia cầm vào các tháng cuối năm nay là hiện hữu.

gà giống

Việc tiêu thụ gia cầm giống hiện gặp nhiều khó khăn – Ảnh: ST

Thứ hai, chi phí vận chuyện hàng hóa tăng cao do phải tách chuyến trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, cản trở khi vận chuyển vật tư, sản phẩm chăn nuôi ra vào các khu vực chăn nuôi, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thứ ba, một số thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo gây khó cho doanh nghiệp và chi phí logistics cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực, dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao.

Thứ tư, phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất gia cầm giống và sản xuất trứng thuộc VIPA đều gặp khó khăn do thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh. Mặc dù đã có chủ trương, chính sách của nhà nước về gia hạn nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn khó tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng. Ước tính các doanh nghiệp thuộc VIPA hiện nay cần lượng vốn khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng để đáo nợ và duy trì sản xuất.

Thứ năm, việc nhập khẩu một số hàng hóa đầu vào phục vụ chăn nuôi, như nguyên liệu thức ăn và thuốc thú y, vaccine gặp khó khăn do giá tăng cao và thiếu container.

Thứ sáu, sản xuất và thương mại gia cầm trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm gia cầm nhập khẩu, đặc biệt là thịt gà đông lạnh giá rẻ.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm nói riêng và ngành nông nghiệp nói cung, VIPA xin kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống, chất độn chuồng, thiết bị chăn nuôi và sản phẩm đầu ra (gia cầm thịt, trứng) vào, ra khu vực trại chăn nuôi tại các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Xem xét bỏ quy định về công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi tại Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/3/2020 của Bộ NN&PTNT; Xem xét bãi bỏ quy định quy cách đóng gói thuốc, vaccine; bãi bỏ giấy phép con nhập khẩu đối với các loại vaccine phục vụ chăn nuôi đã có trong danh mục được phép nhập khẩu; Đồng thuận với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo đó, giảm thuế nhập khẩu ngô hạt từ 5% xuống 3%, lúa mỳ từ 3% xuống 0% nhằm góp phần giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước.

Mặt khác, cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, trình Chính phủ thống nhất chủ trương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính trong việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay; đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay. Trình Chính phủ phê duyệt gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Cùng đó, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 – 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, VIPA kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, miễn, giảm một số phí, lệ phí, trong đó có phí kiểm dịch đối với gia cầm giống tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh.

Phạm Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *