Kiểm soát và minh bạch thông tin xét nghiệm của các đơn vị tư nhân

Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Chăn nuôi và Thú y) đề nghị siết chặt cơ chế kiểm soát và minh bạch thông tin xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

Tỷ lệ xét nghiệm bệnh lớn chiếm phần lớn trong suốt 5 năm qua

Sáng 18/4, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Chăn nuôi và Thú y) tổ chức Hội thảo công tác chẩn đoán, xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch bệnh động vật, kế hoạch hoạt động giai đoạn năm 2025 – 2030.

xét nghiệm thú y

Hội thảo công tác chẩn đoán, xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch bệnh động vật; kế hoạch hoạt động giai đoạn năm 2025 – 2030. Ảnh: Linh Linh.

Ông Ngô Văn Bắc, Quyền Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác xét nghiệm trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chuyển dịch mạnh sang mô hình trang trại tập trung, an toàn sinh học, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo về kết quả hoạt động giai đoạn 2019 – 2024 và định hướng triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn 2025 – 2030, hiện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương được đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng và nhân lực, với hệ thống phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp độ 2 và 3, khu thử nghiệm động vật an toàn sinh học ABSL3, khu nuôi động vật sạch, cùng hệ thống máy móc hiện đại đủ khả năng xử lý 1.500 đến 5.000 mẫu mỗi ngày.

Bên cạnh đó, dự án viện trợ từ Hàn Quốc bổ sung thêm các cơ sở chuyên biệt sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025, nâng cao năng lực xét nghiệm trên gia súc lớn.

xét nghiệm thú y

Ông Ngô Văn Bắc, Quyền Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Linh Linh.

Trong 6 năm qua, Trung tâm đã thực hiện xét nghiệm 568.746 mẫu bệnh phẩm, trong đó các bệnh lợn chiếm tỷ lệ cao nhất (66,76%), tiếp theo là gia cầm (21%), trâu bò (4,1%) và thủy sản (5,2%); phát hiện và phản ứng kịp thời với các bệnh mới như dịch tả lợn Châu Phi (ASF), viêm da nổi cục (LSD), cúm gia cầm H5N8, và bệnh do virus BVD.

Ngoài việc xác định ca bệnh, đơn vị cũng chủ động giải trình tự gen các chủng virus nguy hiểm, phát hiện biến chủng tái tổ hợp chủng H5N1 trên hổ và báo tại Đồng Nai, Long An, từ đó tham mưu cho ngành về sử dụng vaccine phù hợp, kịp thời.

Ngoài công tác chẩn đoán, Trung tâm còn thực hiện thử nghiệm đánh giá hiệu lực nhiều loại vaccine thú y trong nghiên cứu và sau lưu hành. Nhiều nghiên cứu, đề tài và chương trình giám sát dịch bệnh được triển khai hiệu quả, như giám sát virus PRRS, dịch tả lợn châu Phi, và SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã.

Giai đoạn 2025 – 2030, Trung tâm định hướng tăng cường giám sát các bệnh động vật nguy hiểm như cúm H5N1, H5N6, ASF, PRRS, lở mồm long móng, đẩy mạnh giải trình tự gen mầm bệnh bằng công nghệ mới (Nanopore), đồng thời mở rộng hoạt động chẩn đoán các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trung tâm cũng kiến nghị các cơ quan quản lý bổ sung điều khoản quy định trong Luật Thú y về quản lý an toàn sinh học, an ninh sinh học đối với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm động vật trong các hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm, nghiên cứu dịch bệnh, sản suất vaccine, chế phẩm sinh học, siết chặt cơ chế kiểm soát và minh bạch thông tin xét nghiệm của các đơn vị tư nhân, tăng cường biên chế và có chính sách hỗ trợ cán bộ chuyên môn, nhằm đảm bảo hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm vận hành ổn định, hiệu quả trong dài hạn.

xét nghiệm thú y

TS Phan Quang Minh nhấn mạnh về vai trò của công tác chẩn đoán, xét nghiệm thú y trong phát triển ngành chăn nuôi. Ảnh: Linh Linh.

Chủ động trước các mối đe dọa mới

TS Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh, ngành chăn nuôi đang trong giai đoạn phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến đạt từ 5,7 đến 5,92% trong năm 2025.

Một trong những yếu tố then chốt góp phần vào thành tựu này chính là công tác kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, chẩn đoán và xét nghiệm đóng vai trò cốt lõi, bởi chỉ khi xác định được chính xác tác nhân gây bệnh, chúng ta mới có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Dẫn chứng từ giai đoạn 2020 – 2021, trước khi bệnh viêm da nổi cục chính thức ghi nhận tại Việt Nam, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã chủ động lấy mẫu tại Lạng Sơn, xét nghiệm và phát hiện sớm tác nhân. Đây là minh chứng rõ rệt cho năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ xét nghiệm.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y, năng lực xét nghiệm của Việt Nam hiện đã đạt chuẩn song vẫn cần cần mở rộng năng lực xét nghiệm, không chỉ giới hạn trong các dịch bệnh đã biết mà còn phải chủ động trước các mối đe dọa mới.

Ông Pawin Padungtod, Điều phối cao cấp của Trung tâm khẩn cấp về các bệnh truyền nhiễm từ động vât xuyên biên giới (ECTAD, FAO) chia sẻ, FAO luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giám sát dịch bệnh động vật.

Ông Pawin Padungtod cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã xây dựng hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến, giúp quản lý và theo dõi dữ liệu một cách hiệu quả. Việc tích hợp kết quả xét nghiệm vào hệ thống không chỉ góp phần cập nhật thông tin dịch tễ kịp thời mà còn nâng cao năng lực phát hiện sớm các bệnh mới nổi, hỗ trợ công tác giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.

Đồng thời, đại diện FAO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật các công nghệ mới trong chẩn đoán, xét nghiệm và quản lý dịch bệnh. FAO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn nhằm nâng cao kỹ năng, quy trình thực hành phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *