(Người Chăn Nuôi) – “Kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ là chìa khóa quan trọng giúp phát triển ngành chăn nuôi trong nước và thúc đẩy xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Sáng 04/01/2025, Cục Thú y tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quản lý dịch bệnh, phát triển chăn nuôi
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2024, ngành thú y tiếp tục kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm ngoái, điển hình như bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch tăng 69%; bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần và bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 29%.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh báo cáo về tình hình dịch bệnh động vật năm 2024.
Cục Thú y nhận định, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn do việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật truyền lây sang người có nhiều diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn vật nuôi và lây sang người là rất cao. Việc quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh,…
Về phía Cục Chăn nuôi, Phó Cục trưởng Phan Kim Đăng chia sẻ, để chăn nuôi đạt được kết quả ấn tượng như năm 2024 phải kể đến vai trò quan trọng của công tác thú y. Thời gian qua, hai đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là một số bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm,… Hiện nay, việc tuyên truyền cho người dân tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh trên đàn vật nuôi đã được triển khai sâu rộng, qua đó góp phần đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phan Kim Đăng chia sẻ, sự phát triển của ngành chăn nuôi không thể thiếu vai trò quan trọng của thú y.
Tham luận tại Hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, trong năm vừa qua, cơ bản tỉnh không để xảy ra bùng phát dịch bệnh động vật trên địa bàn, rải rác một vài điểm chăn nuôi nhỏ lẻ có mầm bệnh đều đã được phát hiện và xử lý sớm. Để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển lực lượng thú y cơ sở là các cộng tác viên thú y thôn/bản sẽ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân. Hơn nữa, công tác giám sát dịch bệnh bao gồm cả chủ động và sau tiêm phòng trong tỉnh Lào Cai đều được tỉnh quan tâm và giành nguồn lực thực hiện định kỳ.
Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT Lạng Sơn Lạng Sơn nêu ra một số khó khăn khiến nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh dịch bệnh trong địa bàn tỉnh như chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh phải nhập từ các tỉnh khác khoảng trên 50%. Mặt khác, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới vẫn diễn ra.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, ngành thú y đã và đang triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các địa phương về quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm; giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Cùng với đó, xây dựng chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm động vật xuất khẩu (gồm thịt gà chế biến, sản phẩm tổ yến); giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa.
“Nhiệm vụ phòng, chống nhập khẩu trái phép động vật được chúng tôi thực hiện liên tục và sẽ đẩy mạnh hơn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Do đó, người dân có thể yên tâm rằng, các sản phẩm từ động vật nhập khẩu đang được kiểm soát chặt chẽ”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định, các sản phẩm từ động vật nhập khẩu đang được kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, mặc dù trong năm 2024 vừa qua chúng ta đã kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên các đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, tuy nhiên một số loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn lưu hành như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục,…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phê duyệt 06 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; Ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh động vật.
“Năm 2024, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng thú y cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có những mục tiêu hoàn thành tốt. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi đó là chúng ta đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Với quy mô sản xuất hàng hóa quy mô lớn như hiện nay, nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thì rất khó có được kết quả tốt trong năm 2025”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trước nguy cơ dịch bệnh xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cảnh báo dịch bệnh trên đàn vật nuôi, dự phòng vaccine hóa chất,… Thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống báo cáo trực tuyến VAHIS. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu,
“Chúng ta cần phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm ở phía Bắc, nhập lậu lợn ở phía Nam và nhập lậu trâu, bò ở miền Trung. Tập trung rà soát phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, góp phần đảm bảo cung ứng thực phẩm cho tiêu dùng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Thùy Khánh
Bài và ảnh