Khởi nghiệp ban đầu chỉ với 10 thùng ong Ý, nhưng sau 3 năm nỗ lực, anh Hồ Văn Tuấn ngụ tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã nhân đàn thành công được hơn 200 thùng. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, mô hình nuôi ong Ý lấy mật này đã mang lại lợi nhuận cho chàng trai trẻ sinh năm 1987 từ 300 đến 400 triệu đồng.
Mô hình nuôi ong Ý lấy mật của anh Hồ Văn Tuấn ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Khác với giống ong nội địa, ong Ý có đặc tính hiền lành, ít đốt người và tuyệt đối trung thành với ong chúa, nên không bao giờ chúng bỏ tổ mà bay đi nơi khác. Với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, 200 thùng Ong Ý của anh Tuấn được xếp ngay ngắn thành từng hàng dưới những tán keo lá tràm, lúc nào đàn ong cũng được che chắn, bảo vệ dưới bóng mát của cây. Do đó, đàn ong sinh trưởng và phát triển khá tốt. Theo như anh Tuấn chia sẻ, cái khó khăn nhất của người nuôi ong lấy mật là gặp phải tình trạng thời tiết mưa gió nhiều, do đặc tính của loài ong Ý này là không chịu được khí hậu lạnh, rét…
Anh Tuấn hiện sở hữu hơn 200 thùng ong Ý.
Nhờ vị trí nuôi thuận lợi, vào mùa hoa keo lá tràm nở rộ luôn là lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong Ý do anh Tuấn nuôi luôn cho nhiều mật. Được biết, thức ăn mà anh Tuấn nuôi ong chủ yếu là đậu nành xay nhuyễn trộn với mật ong, thức ăn này có tác dụng nuôi nhộng và ong non. Trung bình mỗi tháng, mỗi thùng ong cho thu hoạch từ 3 đến 4 lần, tùy vào điều kiện thời tiết. Được biết, giống ong Ý này phát triển mạnh nhất là vào mùa nắng.
Anh Tuấn dùng đậu nành xay nhuyễn trộn với mật ong để làm thức ăn nuôi nhộng và ong non
Được biết, mỗi lần quay mật, một thùng ong Ý cho từ 10-15 lít mật, với giá bán trung bình từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/lít và được thương lái ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu…đến tận nơi để thu mua. Và mật ong Ý này chủ yếu được xuất khẩu đi nước ngoài.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: “Nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như những công việc lao động chân tay khác, và ai cũng có thể làm được. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của ong như: bay đi bay lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng của mật ong… Và đặc biệt là người nuôi cần phải cần mẫn và có sức khỏe tốt để “chạy ong’ theo mùa. “Chạy ong” mà dân trong nghề nuôi ong dùng để chỉ việc di chuyển đàn ong. Ngoài ra, phải bắt đúng bệnh của ong để phòng ngừa mầm bệnh lay lan”.
Hơn 3 năm nuôi ong Ý với muôn vàn khó khăn và thử thách, anh Tuấn đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tiếp tục nỗ lực nhân đàn để mô hình nuôi ong Ý lấy mật của gia đình ngày càng phát triển hơn nữa. Thêm nữa, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có ý định khởi nghiệp với mô hình này.
Chăm chỉ, chịu khó và nỗ lực vươn lên từng ngày, chàng trai trẻ Hồ Văn Tuấn ở xã Tân Phước, thị xã La Gi đã khởi nghiệp thành công và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương La Gi nhờ mô hình nuôi Ong Ý lấy mật, từ đó mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, góp phần giúp cho nhiều thanh niên có cơ hội học hỏi trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Rạng Đông
Nguồn: Báo Bình Thuận