Khởi nghiệp nuôi hươu, nhiều nông dân Hương Khê khấm khá

Chăn nuôi hươu tuy không phải là nghề mới ở Hà Tĩnh nhưng vẫn còn khá xa lạ với nhiều nông dân Hương Khê. Gần đây, phong trào nuôi hươu được bà con xã Hương Long nhân rộng và phát huy hiệu quả kinh tế.

Nghề nuôi hươu và sản phẩm nhung hươu đã trở thành đặc sản có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhiều năm nay. Tại huyện Hương Khê, dù có nhiều điều kiện tự nhiên, khí hậu tương đồng nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với loại vật nuôi này. Gần đây, khi một số mô hình ở xã Hương Long bắt đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình.

nuôi hươu

Hươu sao đang là vật nuôi phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao ở Hương Khê.

Từ một hộ nghèo, khoảng 5 năm trước đây, khi địa phương có chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gia đình anh Phan Văn Long ở thôn 9, xã Hương Long đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi hươu. Càng nuôi càng thấy lãi, đến nay, mô hình chăn nuôi của anh Long đã tăng lên 23 con hươu.

nuôi hươu

Sản phẩm nhung hươu của gia đình anh Long (người ngoài cùng bên phải) có chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng.

Anh Long chia sẻ: “Mỗi năm, gia đình thu nhập từ hươu không dưới 250 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn nuôi hươu mà gia đình tôi mới có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học, trưởng thành. Lợi thế của mô hình là có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, phù hợp với người nông dân trong tái sản xuất và cho hiệu quả kinh tế khá cao”.

Cũng tại xã Hương Long, anh Lê Khắc Ý (thôn 1) đầu tư nuôi 21 con hươu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

nuôi hươu

Đàn hươu 21 con của gia đình anh Ý mang về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh Ý kể lại: Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, tôi nuôi trâu, bò để lập nghiệp. Sau khi tiếp cận và học hỏi, thấy mô hình nuôi hươu thú vị và cho thu nhập cao nên tôi vay vốn để khởi nghiệp. Từ một vài con giống ban đầu, đến nay, gia đình đã nhân đàn, mở rộng quy mô lên 21 con.

“Hiệu quả kinh tế từ nuôi hươu đã được khẳng định ngay tại gia đình. Tôi đang tiếp tục đầu tư để tăng đàn. Điều đáng mừng là sản phẩm nhung hươu ở xã Hương Long đang được tiêu thụ thuận lợi, thậm chí, hiện nay, khách hàng có nhu cầu còn phải đặt hàng trước. Chúng tôi mong muốn những nông dân khác trong vùng, trong huyện cũng mạnh dạn đầu tư để tăng tổng đàn hươu và cùng nhau xây dựng thương hiệu riêng. Có như vậy, nghề nuôi hươu mới bền vững" – anh Ý cho biết thêm.

nuôi hươu

Nghề nuôi hươu giúp người dân xã Hương Long thu về khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm.

Theo thông tin từ UBND xã Hương Long, đến nay, toàn xã có 32 hộ nuôi huơu với tổng đàn gần 300 con. Trong đó, có 4 hộ nuôi trên 20 con. Nghề nuôi hươu giúp người dân thu về khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm.

Nghề nuôi huơu có nhiều thuận lợi do ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào và sẵn có. Vì vậy, chi phí để nuôi huơu cũng ít tốn kém hơn so với nhiều loài gia súc khác trong khi cho thu nhập kinh tế cao hơn. Thực tế từ các mô hình đã cho thấy con hươu phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay, xã đang khuyến khích người dân tăng đàn, nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế. Hương Long hiện cũng đang nghiên cứu, tư vấn các gia đình xây dựng sản phẩm nhung hươu đạt chuẩn OCOP để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ông Trương Quang Thụy – Chủ tịch UBND xã Hương Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *