Nhiều tháng qua, người nuôi gà chuồng (gà nuôi đàn với quy mô lớn theo kiểu bán công nghiệp) tại Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Nhiều hộ phải giảm đàn, chuyển đổi mô hình để thích nghi.
Theo những hộ nuôi gà chuồng, phần lớn lượng gà các trại nuôi chủ yếu cung cấp cho nhà hàng, tiệc cưới, phục vụ lễ hội… Đây là kênh tiêu thụ chính của những trại sản xuất này. Chính vì vậy, từ khi UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng dịch vụ đám tiệc để phòng chống dịch COVID-19 thì các trại nuôi gà gần như bị mất đầu ra sản phẩm; người chăn nuôi phải xoay xở đủ cách để bán hàng.
Ông Nguyễn Gian Phúc, chủ một trại gà ở xã An Chấn (huyện Tuy An) than thở: Nhiều tháng nay, từ khi các hoạt động đám tiệc tạm dừng thì gà nuôi của trại cũng bị tồn ứ liên tục. Gia đình tôi phải tìm đủ cách để xuất chuồng, nào là bán gà sống tại các chợ hoặc làm sạch bỏ bán lẻ cho người quen hay bán qua mạng, thời gian tiêu thụ kéo dài. Nếu như lúc trước, mỗi lứa gà tôi sẽ bán hết trong vòng 10 – 20 ngày thì nay thời gian này kéo dài gấp 2 – 3 lần.
Người nuôi gà gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Chương
Chính vì buôn bán khó khăn nên tôi phải giảm đàn. Lúc trước, mỗi lứa nuôi thả 1.500 con giống nhưng nay giảm còn 500 – 600 con và không nuôi gối vụ, khi nào bán hết đàn thì mới nhập lứa mới. Cũng theo ông Phúc, hiện gà chuồng đang được thu với giá 58.000 đồng/kg nhưng chi phí thức ăn cao, thời gian tiêu thụ kéo dài thì tính ra mỗi con gà xuất chuồng chỉ lãi từ 5.000 – 10.000 đồng. Sau mỗi lứa nuôi (từ khi thả giống đến lúc tiêu thụ xong) khoảng 4 tháng, chỉ lãi được khoảng 3 – 5 triệu đồng.
Tương tự, nhiều tháng qua, gia đình bà Huỳnh Thị Liễu ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cũng phải chuyển từ nuôi gà chuồng số lượng lớn sang nuôi gà ta thả vườn để dễ bán. Theo bà Liễu, hiện nay người nuôi gà không chỉ gặp khó khăn về đầu ra, mà còn đối mặt với việc giá thức ăn gia cầm tăng cao. Vì vậy, nếu nuôi gà đàn số lượng lớn đến kỳ xuất chuồng mà tiêu thụ chậm thì lỗ nặng vì giai đoạn này gà ăn rất mạnh mà tăng trọng lại chậm.
Chính vì vậy, gần 2 tháng qua, gia đình bà đã tạm ngưng nuôi gà chuồng, chuyển sang nuôi 100 con gà ta thả vườn với nhiều lứa khác nhau. Bà Liễu cho hay: Sở dĩ tôi chuyển đổi giống gà ta chất lượng cao để phục vụ thị trường tiêu thụ bán lẻ nhóm khách hàng gia đình. Đồng thời, tôi cũng thay đổi khẩu phần từ cám ròng sang cám gém rau băm (trộn thức ăn hỗn hợp với các loại rau muống, chuối cây… băm nhỏ). Cách làm này giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí, việc tiêu thụ cũng không áp lực như trước, trang trải công lao động hàng ngày.
Đây cũng là tình cảnh chung hiện nay của hầu hết các hộ nuôi gà trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Hiện ngành Nông nghiệp vận động người chăn nuôi chuyển đổi khẩu phần ăn, chia nhỏ và đa dạng hóa đàn nuôi để có thể mở rộng kênh tiêu thụ, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sơn Ca
Nguồn: Báo Phú Yên