Kế hoạch triển khai 3 Đề án trọng điểm ngành chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhằm đạt mục tiêu của các Đề án thuộc lĩnh vực chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đảm bảo tiến độ, bám sát mục tiêu

Ngày 19/7/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký Quyết định số 2486/QĐ-BNN-CN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ưu tiên Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030; Quyết định số 2487/QĐ-BNN-CN ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030; Quyết định số 2488/QĐ-BNN-CN ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030.

Theo Kế hoạch, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị cần đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, xác định rõ các nhiệm vụ, nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến đạt được, gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Đảm bảo tính chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Đề án vào các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch.

đề án chăn nuôi

Các đề án được phê duyệt là tiền đề quan trọng để nâng tầm sản xuất chăn nuôi Việt Nam phát triển. Ảnh: ST

Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Cùng đó, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan tại địa phương…

Chương trình/dự án thực hiện từ năm 2025 – 2030

Đối với Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi: Kế hoạch sẽ tập trung vào đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. 

Đối với Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030: Thực hiện tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt. Kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi. Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi. Nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Tăng cường năng lực sản xuất giống vật nuôi tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam.

Đối với Đề án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi: Tập trung nghiên cứu thực trạng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi an toàn sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi. Phát triển công nghiệp phụ trợ chế tạo, sản xuất trang thiết bị chuồng trại hiện đại; Ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đánh giá thực trạng và đề xuất các hoạt động công nghệ chuồng trại thông minh và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn.

>> Phát biểu tại một hội nghị triển khai 3 Đề án nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Các đề án phát triển công nghiệp giống, thức ăn, chế biến, khoa học công nghệ được phê duyệt là tiền đề quan trọng góp phần nâng tầm sản xuất chăn nuôi ở Việt Nam.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *