(Người Chăn Nuôi) – Trong ngành chăn nuôi, sản xuất trứng được đánh giá là bền vững nhất về môi trường. Nhưng các hãng sản xuất trứng vẫn cần phải hiểu biết tốt hơn về các phương pháp sản xuất mới để nâng cao hơn nữa sự bền vững cho ngành.
Nếu có một quy tắc hướng dẫn sản xuất cho ngành trứng, nên đặt tiêu chí bền vững lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh trên thị trường xuất hiện những người tiêu dùng thế hệ mới luôn đòi hỏi sản phẩm thực phẩm từ ngành chăn nuôi phải đạt các tiêu chí bền vững. Kết quả khảo sát mới đây của DVM tại 28 quốc gia cho thấy 57% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm để giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường. Cụ thể hơn, trên thị trường thực phẩm, 44% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen mua bán thực phẩm nếu điều đó giúp mang lại môi trường tươi đẹp hơn. Chỉ 35% người tiêu dùng tham gia khảo sát từ chối thay đổi thói quen này.
Ngành sản xuất trứng gia cầm đã chứng tỏ được khả năng vừa cung cấp lượng dinh dưỡng tuyệt vời, vừa tác động thấp lên môi trường. Theo đánh giá toàn cầu về lượng khỉ thải nhà kính trong các ngành sản xuất chăn nuôi của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) thì ngành sản xuất trứng có lượng khí thải nhà kính thấp nhất – chỉ 2,8% trong tổng số khí thải và lượng khí thải thấp nhất trên mỗi kg protein sản xuất ra (khoảng 30kg CO2/kg protein).
Hơn 50 năm qua, các hãng sản xuất trứng gia cầm trên thế giới không ngừng nỗ lực nâng cao phương pháp quản lý chăn nuôi để tăng đáng kể sản lượng, đồng thời giảm tác động lên môi trường.
Tuy nhiên, dưới áp lực từ phía người tiêu dùng, ngành trứng đang phải thay đổi phương pháp thực hành sản xuất và chuyển đổi sang các hệ thống chăn nuôi nhân đạo hơn như nuôi thả tự do; hoặc bỏ những phương pháp quản lý chăn nuôi từng rất thông dụng như cắt mỏ gà.
Nhưng các phương pháp thực hành mới này lại khiến con đường tiến đến sự bền vững của ngành gia cầm nói chung và ngành trứng nói riêng trở nên khó khăn hơn. Khí thải từ những hệ thống nuôi gà thả tự do được ghi nhận tăng 18% so với hệ thống nuôi nhốt trong lồng. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tiêu thụ thức ăn cao hơn, tỷ lệ chết cao hơn và sản lượng thấp hơn. Ðánh giá khí thải nhà kính toàn cầu của FAO chỉ ra những nguồn khí thải chính của ngành trứng chủ yếu từ sản xuất thức ăn (69%), quản lý phân thải (20%) và vận chuyển, chế biến sau nuôi (11%).
Nhưng cũng cần phải ghi nhận, ở một số lĩnh vực trong sản xuất trứng, người nông dân đã kiểm soát tốt khí thải như trong quản lý phân thải ướt và phân thải khô. Tuy nhiên, để ngành sản xuất trứng duy trì bền vững hơn và giảm thiểu tác động lên môi trường, người nông dân cần đến những công cụ thông minh giúp họ nhận ra những quyết định chăn nuôi trong thời gian thực của họ tác động ra sao đến môi trường. Riêng trong ngành chăn nuôi, người nông dân chỉ có thể cải thiện được những điều mà họ có khả năng tính toán và theo dõi được.