(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Bệnh viêm màng phổi ở heo hay còn gọi là bệnh viêm phổi dính sườn (APP) có triệu chứng như thế nào? Biện pháp phòng và trị bệnh ra sao?
Trả lời:
Bệnh này do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) gây ra hiện tượng viêm phổi, có thể gây chết heo. Bệnh xảy ra ở heo mọi lứa tuổi, nhưng nhiễm chủ yếu từ 2 – 6 tháng tuổi, đôi khi gây xuất huyết trên heo nái và hậu bị. Đường lây truyền chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp giữa heo bệnh và heo khỏe, lây lan qua đường không khí, lây từ mẹ sang con.
Thể quá cấp tính: Heo sốt cao 40,5 – 41,50C, ủ rũ, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy, heo khó thở, tần số mạch tăng. Da mũi, chân, tai, tím xanh. Giai đoạn đầu con vật khó thở trầm trọng, há mồm để thở. Heo bệnh chết nhanh chóng trong vòng 24 – 36 giờ. Trước khi chết chảy nhiều nước bọt, nước mũi nhiều bọt, có thể lẫn máu.
Thể cấp tính: Heo sốt cao 40,5 – 41,50C, da có nốt đỏ, heo bỏ ăn thở bụng, lười vận động, lười uống nước. Heo khó thở, ho, đôi khi phải há mồm thở, rối loạn nhịp tim, hệ tuần hoàn, đồng thời xung huyết ở những vùng xa tim.
Thể mãn tính: Heo không sốt hoặc sốt nhẹ, ho liên tục hoặc ho ngắt quãng, bỏ ăn, giảm khả năng tăng trọng. Khi phải vận động thì thường bị bệnh tụt lại phía sau đàn nếu bắt buộc cũng sẽ cố gắng một cách rất yếu ớt. Khi bị ghép với một số mầm bệnh gây bệnh đường hô hấp sẽ làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Để phòng bệnh, cần thường xuyên phun sát trùng tiêu độc chuồng trại. Lựa chọn mua heo ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng kỹ thuật xét nghiệm PCR ngay tại trại giống để sàng lọc những con giống khỏe mạnh. Cách ly tất cả những con vật có biểu hiện bệnh. Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm bệnh trong trang trại. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo. Sử dụng vaccine phòng bệnh định kỳ cho đàn heo.
Khi phát hiện bệnh, cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt. Cần loại thải những con vật có biểu hiện nặng vì điều trị không đem lại hiệu quả kinh tế. Kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh. Dùng một số loại kháng sinh như Penicillin, ampicillin, nhóm cephalosporin, colistin, sulfonamide, cotrimoxazole. Bên cạnh đó cần bổ sung trợ sức, trợ lực, vitamin cho heo nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.
Hỏi: Chim bồ câu có biểu hiện sốt, bỏ ăn, niêm mạc tụ huyết đỏ sẫm, mắt nhắm, đứng ủ rũ, thở khó, chảy nước mũi, nước mắt, sau đó xuất hiện ỉa chảy phân xanh vàng. Bệnh tiến triển nhanh. Mổ chim bệnh thấy: Bao tim có tụ huyết, đôi khi có dịch vàng; phổi, lách, gan và các niêm mạc có tụ máu. Các phủ tạng và đôi khi ở cơ còn có các hạt giống hạt kê, hoại tử có màu vàng xám. Xin hỏi đây là bệnh gì, cách trị bệnh ra sao?
Trả lời:
Theo mô tả, có thể chẩn đoán chim bồ câu mắc bệnh giả lao (vi khuẩn gây bệnh gọi là Yersinia pseudotuberculosis – vi khuẩn giả lao). Chim bị nhiễm vi khuẩn chủ yếu qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn tồn tại và lưu hành trong môi trường tự nhiên và thức ăn. Chim ăn uống phải thức ăn nước uống bị nhiễm vi khuẩn sẽ bị mắc bệnh. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể chim qua đường hô hấp, do hít thở không khí có vi khuẩn.
Điều trị: Bệnh này điều trị ít có hiệu quả, vì bệnh tiến triển nhanh. Khi phát hiện các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên thì chim đã bị rất nặng, khó chữa. Khi phát hiện một vài chim bị bệnh thì cần phải điều trị có tính chất phòng ngừa cho toàn đàn. Cách điều trị như sau: Phối hợp hai loại thuốc Kanamycin và Tetracyclin. Pha hai loại này với nước cho toàn đàn chim uống liên tục 3 – 4 ngày; hỗ trợ tim mạch, tăng sức đề kháng, cho uống hoặc trộn vào thức ăn các VitaminB1, K,A,D, E. Hộ lý: Cho chim ăn thức ăn dễ tiêu, bớt ăn các loại hạt.
Phòng bệnh: Thực hiện cho chim ăn sạch, uống sạch. Giữ gìn vệ sinh chuồng trại và môi trường sống của chim, cần làm vệ sinh và tiêu độc theo định kỳ. Khi có dịch xảy ra cần phát hiện sớm chim bệnh để cách ly điều trị hoặc xử lý, tránh lây nhiễm cho đàn chim. Tổ chức tiêm vacacine phòng bệnh cho đàn chim trưởng thành khi có vaccine phòng bệnh.
ThS Nguyễn Ngọc Đức
ĐT: 0916 965 688
Email: nguyenngocduc688@gmail.com