Hỏi – Đáp tháng 10 (P1)

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Chim bồ câu ăn ít, hen khẹc, mỏ chim xuất hiện những lớp vảy da màu vàng nhạt, đã chết vài con. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp điều trị ra sao?

Trả lời:

Với các triệu chứng trên, chim bồ câu có thể đã bị bệnh nấm diều. Bệnh do một loại nấm có tên gọi Candidia albicans gây ra. Ðây là một loại nấm men sống hoại sinh thường xuyên trên niêm mạc đường tiêu hóa và gây bệnh có tính chất cơ hội khi đáp ứng miễn dịch cơ thể bị suy giảm. Bệnh này hay xuất hiện ở bồ câu 1 – 2 tháng tuổi. Nguyên nhân mắc bệnh có thể là do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, hệ thống dụng cụ đựng nước và nước uống không được vệ sinh, bị nhiễm nấm hoặc dùng kháng sinh (loại phổ rộng như cyclines, phenicol, penicilline bán tổng hợp A) trộn thức ăn hay nước uống kéo dài làm cho nấm phát triển ngay trong đường tiêu hóa. Ðể điều trị bệnh, cần dùng thuốc kháng nấm (chọn dùng một trong các hoạt chất sau):

Nystatin: Dùng dung dịch hay huyễn dịch 100.000 IU/ml, pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn theo liều 1,5 ml/kg trọng lượng, dùng liên tục 7 ngày.

Ketoconazole: Dùng theo liều 10 – 20 mg/kg trọng lượng pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn, dùng liên tục 10 – 15 ngày.

Nên cho đàn uống cùng với một trong các loại kháng sinh như: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

Cho bồ câu ăn/uống Phartigum B 2 g/10 kg trọng lượng/ngày hoặc 2 g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực. Có thể hòa tan thuốc theo liều lượng cho phép, trộn đều với cám để bồ câu mẹ vừa mớm được cả thức ăn và thuốc cho bồ câu con.

 

Hỏi: Gà thương phẩm 2 tháng tuổi, có hiện tượng bỏ ăn, xù lông, ủ rũ mệt mỏi, rồi chết. Mổ khám thấy gan màu trắng, mề trắng, nội tạng dính chặt vào xương sống. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Trả lời:

Với những triệu chứng trên, có thể gà đã mắc bệnh tụ huyết trùng. Bệnh thường xuất hiện trên các loại gia cầm. Nguyên nhân bệnh là do vi khuẩn Pasteurella multocida gây nên. Bệnh tụ huyết trùng ở gà thường xuất hiện và bùng phát trong thời gian giao mùa, khi mà thời tiết thay đổi đột ngột. Gà 2 tháng tuổi trở lên là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Ðể phòng bệnh tụ huyết trùng một cách tối ưu nhất, người nuôi cần tiêm phòng vaccine cho gà theo định kỳ. Trong quá trình chăn nuôi, chú ý đảm bảo môi trường sống của gà sao cho sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, được quét dọn và khử trùng thường xuyên. Khi thời tiết thay đổi bất thường cần bổ sung Vitamin C, thuốc chống stress để nâng cao sức đề kháng cho gà.

Hiện nay, có một số loại thuốc chuyên biệt có tác dụng điều trị bệnh tụ huyết trùng khá hiệu quả. Khi gà mắc bệnh, có thể sử dụng thuốc Sulphaquinoxolone hay Tetracyclin để trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gà. Bên cạnh đó, giai đoạn gà mắc bệnh, việc tăng sức đề kháng cũng là cách giúp gà sớm khỏi bệnh nhất. Do đó, người nuôi nên bổ sung thêm Vitamin C, chất điện giải, B – Complex trong chế độ ăn của gà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *