Hỏi – Đáp tháng 1 (P1)

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Biện pháp điều trị thương hàn ở chim bồ câu?

Trả lời:

Bệnh thương hàn ở chim bồ câu do vi khuẩn Salmonella gallinacerum và S. enteritidis thuộc họ Enterbacteriacae gây ra. Bồ câu có thời gian ủ bệnh 1 – 2 ngày. Khi bị bệnh, bồ câu ít hoạt động, kém ăn, uống nước nhiều. Sau đó, thân nhiệt tăng, chim đứng ủ rũ một chỗ, thở gấp, đặc biệt là ỉa chảy, phân màu xanh hoặc xám vàng, giai đoạn cuối có lẫn máu. Chim sẽ chết sau 3 – 5 ngày. Ðể điều trị bồ câu bị bệnh, cần dùng phối hợp 2 loại thuốc là Tetracyclin, liều 50 mg/kg thể trọng và Bisepton, liều 50 mg/kg thể trọng. Thuốc có thể pha thành dung dịch đổ cho chim uống trực tiếp, liên tục trong 3 – 4 ngày. Kết hợp trợ sức, trợ lực như bổ sung Vitamin B1, C, K tăng cường đề kháng cho bồ câu trong quá trình điều trị. Phòng bệnh bằng các biện pháp tổng hợp, cụ thể:

Khử trùng: Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ. Sau khi xuất toàn bộ vật nuôi phải tiến hành khử trùng chuồng nuôi theo chế độ tổng vệ sinh và khử trùng trước khi nuôi lứa mới. Dụng cụ chăn nuôi mang vào hoặc mang ra khỏi trại cần được rửa sạch và khử trùng bên trong, bên ngoài và sau thời gian khử trùng cần thiết mới được sử dụng lại.

Kiểm soát thức ăn: Nuôi dưỡng chim với khẩu phần thích hợp và đảm bảo thức ăn chất lượng, không ôi thiu, nấm mốc. Cho bồ câu uống nước sạch, đã được khử trùng và luôn làm sạch hệ thống cấp nước.

Quản lý: Khi có bệnh xảy ra cần cách ly chim ốm để điều trị; Chim ốm chết phải chôn có đổ vôi bột hoặc sát trùng. Toàn bộ số chim cùng chuồng với chim ốm phải cho uống Sulfamethazone 5/1.000 trong 3 – 5 ngày liền. Cùng đó, cần thường xuyên bổ sung các vitamin để nâng cao đề kháng cho chim.

 

Hỏi: Ðà điểu ủ rũ, bỏ ăn, uống nước nhiều, ỉa chảy, phân loãng có dịch nhầy. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp chữa trị như thế nào?

Trả lời:

Theo mô tả, đà điểu có thể đã bị bệnh Newcastle. Bệnh  do các chủng virus Newcastle cường độc gây ra. Thường các chủng này được thải ra từ các ổ dịch Newcastle của gà, tồn tại và phân tán trong môi trường tự nhiên. Ðà điểu ăn thức ăn, uống nước có virus Newcastle sẽ bị nhiễm virus và phát bệnh. Hiện không có thuốc đặc trị bệnh Newcastle cho đà điểu cũng như cho gà. Nên biện pháp phòng trị vẫn là quan trọng nhất. Biện pháp phòng trị chính là sử dụng vaccine phòng bệnh Newcastle cho đà điểu.

Ðối với đà điểu non từ 7 – 45 ngày tuổi: Dùng vaccine Lasota nhỏ vào mắt, mũi hoặc tiêm dưới da cánh cho đà điểu. Vaccine được pha theo tỷ lệ 1/200 với nước cất. Sau khi dùng vaccine được 10 – 14 ngày, đà điểu non có miễn dịch chống lại virus Newcastle.

Sau 45 ngày được sử dụng vaccine Lasota, đà điểu cần phải tiêm chủng vaccine Newcastle hệ 1, cũng tiêm dưới da cánh với liều 0,2 – 0,3 ml/một đà điểu bằng dung dịch vaccine pha với nước cất theo tỷ lệ 1/200. Vaccine sẽ tạo miễn dịch chắc chắn cho đà điểu và miễn dịch kéo dài 12 tháng.

Ðối với đà điểu trưởng thành: Mỗi năm cần tiêm vaccine Newcastle một lần vào cuối mùa thu chuyển sang đông.

Thực hiện vệ sinh chuồng trại và vệ sinh môi trường nuôi đà điểu để tránh lây nhiễm mầm bệnh. Chuồng trại và môi trường cần định kỳ tiêu độc bằng các loại thuốc tiệt trùng như Csesyl 2% hoặc nước vôi 10%.

Không nuôi gà trong khu vực chăn nuôi đà điểu để đà điểu không bị nhiễm virus Newcastle từ gà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *