Di dời cơ sở chăn nuôi (CSCN) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (KĐPCN) là tất yếu để đảm bảo môi trường, vệ sinh thực phẩm và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, phù hợp với quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn không ít khó khăn.
Ngày 19/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND quy định khu vực KĐPCN và chính sách hỗ trợ khi di dời CSCN ra khỏi khu vực KĐPCN trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 70). Theo Nghị quyết 70, thị trấn Đà Bắc có 486 CSCN và 1 trang trại lợn nằm trong khu vực KĐPCN. Sau khi thực hiện Nghị quyết 70, đã có 30 cơ sở dừng hoạt động chăn nuôi. Theo rà soát của UBND thị trấn Đà Bắc, tổng diện tích chuồng trại từ 50 m2 trở lên trên địa bàn thị trấn được hỗ trợ theo Nghị quyết 70 khi thực hiện di dời ước tính 17.730 m2. Trong năm 2023, có 100 hộ chăn nuôi của 11 tiểu khu đã ký cam kết thực hiện di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực KĐPCN. Trong đó có 90 hộ cam kết tự tháo dỡ, di dời, không cơi nới, xây mới chuồng trại.
Việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, do đây vẫn là nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ ở khu vực thị trấn. (Ảnh chụp hộ chăn nuôi lợn tại khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc).
Đồng chí Xa Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc cho biết: Việc triển khai Nghị quyết 70 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do địa bàn thị trấn Đà Bắc là miền núi, đất canh tác nông nghiệp lớn, người dân chủ yếu vẫn phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm; tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp như làm đậu phụ, nấu rượu để chăn nuôi. Do đó không ít hộ vẫn còn hoang mang, nếu không chăn nuôi thì sẽ làm công việc gì để có thu nhập? Trong khi đa số người chăn nuôi là người có tuổi nên rất khó để chuyển đổi việc làm. Bên cạnh đó, một số hộ dân không nhất trí, không ký cam kết thực hiện do không biết chuyển chuồng trại đi đâu, nhiều hộ đã đầu tư nhiều vào chăn nuôi mà chưa kịp thu hồi vốn.
Trước thực tế đó, UBND thị trấn Đà Bắc đề nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh khu vực chăn nuôi trên địa bàn thị trấn cho phù hợp. UBND huyện xem xét đào tạo nghề cho các hộ dân khu vực KĐPCN; bố trí quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung cho các hộ có nhu cầu di dời tới khu vực khác được phép chăn nuôi. Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho những hộ tự nguyện tháo dỡ, di dời chăn nuôi đảm bảo như hỗ trợ chuyển đổi việc làm.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 70 trên địa bàn thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Thị trấn Mãn Đức có 2.720 hộ chăn nuôi, số hộ có diện tích chuồng trại kiên cố trên 50 m2 là 328 hộ dân với tổng diện tích 32.492 m2. Để triển khai Nghị quyết 70, cơ quan chuyên môn của huyện Tân Lạc và UBND thị trấn Mãn Đức đã tổ chức tuyên truyền, họp các hộ dân triển khai phương án hỗ trợ kinh phí và di dời, cũng như ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay gặp phải, vướng mắc về tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi hướng sản xuất cho những hộ KĐPCN. Cùng với đó là khó khăn vì không có quỹ đất để di chuyển các hộ chăn nuôi đến khu chăn nuôi tập trung.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Một số CSCN theo quy định của Nghị quyết 70 là bắt buộc di dời nhưng qua kiểm tra cho thấy, một số địa phương chưa rà soát kỹ nên có một số khu vực mặc dù thuộc địa bàn thị trấn nhưng xa dân cư vẫn có thể chăn nuôi được. Do đó, ngành chức năng xin điều chỉnh lại để đưa các khu vực đó ra khỏi khu vực KĐPCN. Đến hết năm 2024, các hộ chăn nuôi nằm trong danh sách KĐPCN phải hoàn thành việc di dời.
Theo Báo cáo số 849/BC-SNN, ngày 13/11/2023 của Sở NN&PTNT về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 70, trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi đối với 18 CSCN. Trong đó, TP Hoà Bình 5 cơ sở, kinh phí hỗ trợ hơn 31 triệu đồng; Kim Bôi 1 cơ sở, kinh phí hỗ trợ gần 4,8 triệu đồng; Lương Sơn 12 cơ sở, kinh phí hỗ trợ hơn 90 triệu đồng. Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 70, như: Một số khu vực từ xã sáp nhập vào phường hoặc thị trấn chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để tăng thu nhập, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi để trồng trọt.
Trên địa bàn phường, thị trấn không có quỹ đất quy hoạch khu chăn nuôi tập trung riêng để bố trí cho các hộ có nhu cầu tiếp tục chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực KĐPCN. Các CSCN thuộc diện phải di dời chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và phụ phẩm nông nghiệp. Vì thế khi dừng chăn nuôi sẽ giảm một phần thu nhập cũng như lãng phí nguồn thức ăn có thể dùng cho chăn nuôi. Một số CSCN quy mô lớn nằm trong khu vực KĐPCN đã đầu tư chi phí rất lớn để chăn nuôi, chưa thu hồi được vốn nên rất khó trong việc di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi…
Trước những khó khăn, vướng mắc đó cho thấy, cần rà soát kỹ các khu vực KĐPCN cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở thuộc đối tượng phải tháo dỡ di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi có nhu cầu. Ngoài ra, bổ sung quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư hạ tầng khu chăn nuôi tập trung để các CSCN quy mô lớn nằm trong khu vực KĐPCN có nhu cầu tiếp tục phát triển chăn nuôi có địa điểm thực hiện di dời.
Viết Đào