Trước tình hình dịch Covid-19, người nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Tri và Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) vẫn duy trì việc khai thác sữa và chở đi bán đều đặn mỗi ngày 2 lượt. Nông hộ có nguồn thu nhập ổn định và yên tâm duy trì sản xuất trong 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiêu thụ ổn định
Nông dân Nguyễn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) là một trong những nông hộ có đàn bò sữa với quy mô hàng chục con. Anh Hùng cho biết, trước đó, anh làm nghề đi ghe cào đánh bắt nhưng không khá nổi. Sau đó, anh chuyển sang nuôi bò vàng. Được 3 – 4 năm, anh mạnh dạn chuyển sang nuôi bò sữa gắn với Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 – 2020.
Năm 2017, anh Hùng được dự án hỗ trợ đầu tư nuôi 10 con bò sữa. Ban đầu khá lo lắng, anh em, bè bạn can ngăn không cho nuôi vì sợ thua lỗ, mất vốn. Nhưng nghĩ mô hình này đã rất thành công ở tỉnh bạn nên anh quyết tâm làm, với hy vọng phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đàn bò lên được 40 con, trong đó có khoảng 20 con bò đang cho thu hoạch sữa. Trung bình, anh thu hoạch 12 – 20 kg sữa/con/ngày, tùy thời điểm.
Hộ anh Cao Văn Mến khai thác sữa và tiêu thụ đều đặn hàng ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Do gia đình không có đất, vợ chồng anh thuê 2 ha đất để trồng cỏ nuôi bò. Với mức giá bán ổn định 14 ngàn đồng/kg sữa bò, trừ chi phí thức ăn, người nuôi vẫn có lời ít nhất 60 ngàn đồng/con/ngày. Như vậy, thu nhập hàng ngày từ việc tiêu thụ sữa bò thô vừa giúp gia đình anh trang trải cuộc sống, vừa tái đầu tư chăm sóc tổng đàn 40 con và có dư khá.
Anh Hùng kể: Nuôi bò sữa phải chắt chiu, kỹ lưỡng và dành trọn thời gian để chăm sóc bò mỗi ngày, chứ không giống như nuôi bò vàng (bò thịt) chỉ cần cắt cỏ, cho ăn uống, dọn vệ sinh chuồng trại rồi thôi. Ai nuôi bò sữa cũng vậy, nghe gà gáy 3 – 4 giờ sáng là phải dậy dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, vắt sữa, xong rồi đi cắt cỏ. Loay hoay công việc tương tự trong buổi chiều. Người nuôi không được lơ là giờ khắc nào mà phải dành trọn tâm ý để chăm sóc đàn bò.
“Đàn bò được chăm sóc tốt cho kết quả xứng đáng. Nhờ vậy, mấy năm qua, kinh tế gia đình tôi dần ổn định và khấm khá hơn. Nuôi bò sữa kinh tế tốt hơn so với trồng lúa. Mùa dịch này, tiêu thụ sữa cũng ổn định, thu nhập đều đặn nên gia đình rất yên tâm để tiếp tục duy trì, phát triển đàn bò trong thời gian tới…”, anh Hùng vui vẻ nói.
Nhân rộng nhanh tại 3 huyện biển
Chị Trần Thị Tuyết Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre (HTX) cho biết, tổng đàn bò sữa nhập về và sinh ra đến tháng 6-2021 là 2.372 con, trong đó có 779 con đã và đang cho thu hoạch sữa. Năng suất bình quân 9,7 tấn sữa/ngày. Hiện HTX có 80/95 thành viên, sản lượng sữa thu hoạch bán cho Công ty sữa Vinamilk.
Các hộ nuôi bò sữa có khai thác sữa không ngừng mở rộng quy mô, bình quân 12 con/hộ. Có 2 hộ nuôi trên 50 con, bán sữa trên 200 kg/ngày. Hiện nay, đàn bò sữa đã được nhân rộng sang xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú), với tổng đàn khoảng 120 con, đã có 9 hộ có bò đang cho khai thác sữa.
Anh Cao Văn Mến, xã Mỹ Hưng, là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình này trên địa bàn Thạnh Phú và khá thành công. Hiện anh có 8 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho khai thác sữa. Anh Mến chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình nuôi bò sữa tại Ba Tri và thấy có hiệu quả nên tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Qua thời gian nuôi, tôi cảm thấy càng tự tin hơn vì hiệu quả kinh tế mang lại từ bò sữa cao và ổn định, giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập”.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển sữa bò thô sang Trạm thu mua sữa Ba Tri ban đầu tưởng sẽ gặp trở ngại lớn, hộ nuôi vô cùng lo lắng vì nếu không bán được thì lượng sữa khai thác mỗi ngày sẽ khó tiêu thụ hết, thậm chí phải đổ bỏ. Trước tình hình đó, HTX đã nhanh chóng phối hợp với lãnh đạo huyện để tìm cách giải quyết. Kết quả, huyện đã cho phép các hộ nuôi được thuê phà để chở sữa sang Ba Tri tiêu thụ, ngày lưu thông 2 chuyến (sáng, chiều).
Cũng theo anh Cao Văn Mến, hộ nuôi rất phấn khởi và cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự linh hoạt của HTX đã giúp người nuôi bò sữa có thể tiêu thụ sản phẩm sữa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Mặc dù chi phí vận chuyển của các hộ nuôi đội lên cao hơn do thuê phà 400 ngàn đồng (2 chuyến đi về trong ngày) nhưng hộ nuôi vẫn có lời ổn định.
Theo chị Trần Thị Tuyết Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Bò sữa Bến Tre, HTX đã phối hợp với Công ty sữa Vinamilk hỗ trợ hoạt động thu mua sữa đàn bò của các thành viên như việc hỗ trợ lập thẻ xanh bán sữa, giấy xác nhận tiêm phòng, test nhanh, xử lý nhanh các trở ngại phát sinh do dịch Covid-19… Qua các đợt giãn cách xã hội, 100% sản lượng sữa thô sau khi khai thác được tiêu thụ hết, với giá bán ổn định, nông hộ có lợi nhuận khá.
>> Hiện nay, khả năng cung ứng sữa của hợp tác xã mới chỉ đáp ứng 20% yêu cầu của trạm thu mua sữa Ba Tri. Mô hình nuôi bò sữa đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội các huyện ven biển, cho nông hộ thu nhập ổn định hơn so với một số loại hình sản xuất khác. Do đó, mô hình có tiềm năng phát triển, nhân rộng tại 3 huyện biển trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: Báo Đồng Khởi