Cao điểm mùa mưa, gần chục công nhân của Trang trại Duy Hùng (Đắk Nông) tất bật cắt tỉa cành lá từ các trụ hồ tiêu. Ba năm nay, số lá cây này được chủ nhân trang trại tận dụng để nuôi dê, tạo thành một vòng khép kín trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Tận dụng lá thừa để nuôi dê
Trang trại Duy Hùng, ở thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), có diện tích hơn 15 ha hồ tiêu và cây ăn trái. Mới đây, trang trại được chọn là một trong những điểm đến nằm trong các tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hà bắt đầu nuôi dê từ 3 năm trước, với mục đích ban đầu là giải quyết số lá cây thừa trong vườn
Chủ nhân của trang trại là vợ chồng bà Nguyễn Thị Lệ Hà, là cán bộ hưu trí, sau nhiều năm làm việc tại Bình Thuận, cuối năm 2015, gia đình lên Đắk Nông để làm nông nghiệp. Mục đích ban đầu là sản xuất hồ tiêu sạch nên bà Hà chọn mua một khu đất thuận lợi nguồn nước tưới và hạ trụ sống từ cây keo, cây muồng để trồng hồ tiêu.
Điểm đáng chú ý là Trang trại Duy Hùng đã kết hợp trồng trọt với chăn nuôi theo hình thức khép kín. Lá cây keo và cây muồng từ trụ tiêu được trang trại tận dụng làm thức ăn cho đàn dê khoảng hơn 100 con. Chất thải của dê được làm phân bón, phục vụ cho trồng hồ tiêu.
Dê ăn lá keo, lá muồng phát triển tốt, mỗi lần sinh sản 2 – 3 con
Cho thu nhập cao
Sau 3 năm nuôi dê, mỗi năm trang trại của bà Hà xuất chuồng khoảng gần 200 con dê giống, với giá bán khoảng 3 – 4 triệu đồng/con. Chất lượng con giống tốt nên được nhiều đơn vị đặt hàng để trang trại cung ứng nguồn dê giống. Thế nhưng, xác định nuôi dê là để giải quyết số lá cây thừa nên bà Hà không mở rộng thêm quy mô, số lượng dê bố mẹ.
Mỗi năm, gia đình bà Hà tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng phân bón từ nguồn phân dê
Chủ nhân trang trại nuôi dê cho biết thêm, từ số dê này, gia đình bà còn thu được gần 300 triệu đồng từ phân dê để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo thành một vòng tuần hoàn, khép kín.
Phân dê sau khi được ủ hoai mục bón lại cho cây hồ tiêu, không những giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón mà còn bảo đảm nguồn phân chất lượng, an toàn cho cây, giúp đất không bị xơ cứng. Đặc biệt, nhờ bón phân dê, hồ tiêu phát triển tốt, ít bị bệnh, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu và đặc biệt luôn bán được giá cao hơn so với giá thị trường.
Nhân công thu hoạch lá và cành keo non để làm thức ăn cho dê
“Chỉ tính riêng tiền bán dê giống và phân bón cây trồng từ dê, mỗi năm trang trại đã có nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng”, bà Hà cho biết thêm.
Chia sẻ thêm về việc trang trại dê được lựa chọn là một trong những điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, bà Hà cho biết, khách đến tham quan được trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.
Hiện Trang trại Duy Hùng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động
Hiện nay, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm thu hoạch hồ tiêu, mỗi ngày trang trại này thuê đến 70 lao động làm việc.
Bài, ảnh: Dương Phong
Nguồn: Báo Đắk Nông