Trong vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mô hình nuôi con dúi đem về nguồn thu nhập tốt, trong số đó có anh Nguyễn Văn Tàu, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Được nhiều người dân biết đến, bởi anh cung ứng con dúi giống, dúi thịt cho hộ nuôi và nhiều nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc cung cấp con giống, anh Tàu còn thu mua lại con dúi thịt cho người đã từng mua con giống, vừa góp phần giải quyết đầu ra, vừa giúp người nuôi tăng thu nhập…
Anh Tàu chia sẻ, dúi là loài động vật thích gặm nhấm, đặc biệt chúng chỉ thích ăn các loài thực vật nhưng là loại cây, củ, quả cứng như: thân tre, thân mía, thân cỏ vôi, khoai lang, bắp… Đối với thân cây tre, để giúp dúi ăn dễ dàng, anh thường chẻ ra thành từng mảnh nhỏ, còn mía thì chặt khúc, cỏ vôi bỏ hết lá, chặt ra từng đoạn nhỏ, khoai lang để nguyên củ, còn bắp thì lột vỏ để nguyên trái, cứ như thế các loại thức ăn trên bỏ vào chuồng là dúi tự ăn. Nhờ ăn các loại thực vật trên, phân dúi không hề bị hôi nên khâu dọn vệ sinh chuồng nuôi rất thuận lợi và phân dúi được tận dụng để trồng các loại cây nêu trên để cung cấp lại cho dúi ăn mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Tàu bên chuồng nuôi dúi của gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: TL
Qua tìm hiểu được biết, anh Tàu bắt đầu nuôi dúi từ năm 2018, sau nhiều năm nghiên cứu thị trường cần những loại thực phẩm mới, lạ cùng với nhu cầu của người tiêu dùng về việc sử dụng dúi làm thức ăn ngày càng nhiều, nhất là tại các quán ăn, nhà hàng để phục vụ thực khách nên anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng nuôi dúi. Anh Tàu mua 34 cặp dúi bố mẹ, do chưa có kinh nghiệm nên hao hụt chỉ còn lại 18 con, trong đó 11 con cái và 7 con đực. Với đàn dúi cái nêu trên, trong năm đầu tiên nuôi đến cuối năm, đàn dúi tăng lên 140 con và số lượng dúi tăng dần theo từng năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn dúi tại hộ anh Tàu là 377 con. Ngoài số lượng dúi nhà sinh sản, anh Tàu còn thu gom dúi giống của hộ dân bên ngoài khoảng 130 – 140 con dúi con/tháng.
Cũng theo anh Tàu, con dúi có 2 loại: dúi móc có trọng lượng trưởng thành khoảng 2,6 kg; dúi má đào trọng lượng 5,4 kg. Dúi từ lúc mới sinh đến trưởng thành, sinh sản được khoảng 8 tháng và dúi đẻ 4 lứa/năm, sinh sản từ 2 – 6 dúi con/lứa. Khi dúi con 2 tháng tuổi tách mẹ là dúi mẹ sẽ sinh sản tiếp lứa dúi mới và dúi có thể sinh sản liên tục từ 7 – 8 năm. Bên cạnh đó, dúi giống khoảng 2 – 4 tháng sau sinh là bán được, dúi móc 1 cặp giá bán 1,2 triệu đồng, dúi má đào có giá từ 2,5 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng/cặp (tùy thời điểm). Riêng dúi thịt giá bán khoảng 700.000 đồng/kg. Như vậy, với số lượng đàn dúi nuôi sinh sản tại hộ anh Tàu và thu gom bên ngoài của hộ dân, trong năm 2021, anh Tàu xuất bán khoảng 3.000 dúi giống và hơn 2,1 tấn dúi thịt, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 350 triệu đồng.
“Trong năm 2022, tôi sẽ xây thêm 500 chuồng nuôi dúi hậu bị để thay thế dần đàn dúi sinh sản. Để nuôi dúi thành công, người nuôi phải cho dúi ăn đầy đủ thức ăn, nhất là với dúi trong giai đoạn bú sữa, cần chú ý cho ăn đủ để tránh dúi cắn con, đặc biệt chú ý các bệnh thường gặp để phòng ngừa như: sổ mũi, đỏ mắt, tiêu chảy, nổi ké và trong mùa lạnh đậy nắp chuồng, cùng với đó giữ phân dúi trong chuồng vài ngày dọn phân/lần, để dúi có chỗ nằm giữ ấm cơ thể, cho dúi ăn 1 lần/ngày và thức ăn phải đảm bảo tươi” – anh Tàu cho biết thêm.
Thúy Liễu
Nguồn: Báo Sóc Trăng